Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tránh “đứng núi này, trông núi nọ”

Tạp Chí Giáo Dục

Hai năm gn đây, do nh hưng ca dch Covid-19 nên các trưng ĐH đã đa dng hơn trong phương thc xét tuyn, đng thi ch tiêu trúng tuyn dành cho 2 phương thc – đim k thi đánh giá năng lc ca ĐHQG TP.HCM và xét hc b có xu hưng tăng…


Hc sinh lp 12 Trưng THPT Nguyn Hu Cu tham gia k thi th đánh giá năng lc do trưng t chc

Hc sinh tham gia ngày càng nhiu

Hiện nay học sinh (HS) lớp 12 có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến 2 phương thức xét tuyển trên. Thống kê của nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM cho thấy tỷ lệ HS lớp 12 đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM và xét học bạ vào các trường ĐH tăng lên hàng năm. Cụ thể, năm học 2020-2021, Trường THPT Trưng Vương (Q.1) có tổng số trên 670 HS lớp 12. Tính đến thời điểm này, thống kê cho thấy tỷ lệ HS của trường đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực và xét học bạ cao hơn so với năm trước. Cô Lê Tường Quyên (Phó Hiệu trưởng nhà trường) đánh giá khi ngày càng có nhiều trường ĐH sử dụng hai phương thức này xét tuyển thí sinh thì việc HS sử dụng cùng lúc nhiều phương thức để xét tuyển vào trường ĐH là điều dễ hiểu. “Quan trọng là các em tận dụng đúng cơ hội, đánh giá đúng năng lực bản thân và nhìn ra đúng ngành học mà mình yêu thích để theo đuổi thông qua các cơ hội”, cô Quyên nhấn mạnh. Tương tự, thống kê tại Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận) cho thấy trong đợt 1 đăng ký xét học bạ vào các trường ĐH, có gần 400/800 HS lớp 12 của trường đăng ký xét tuyển; số HS đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM cũng lên đến phân nửa. Thầy Trần Công Tuấn (Hiệu trưởng nhà trường) nhìn nhận, số lượng HS lớp 12 của trường đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực và xét học bạ tăng lên hàng năm. Có những lớp gần 100% HS cùng tham gia cả hai phương thức này. “Song song với việc dạy kiến thức trong chương trình, các tiết học buổi 2 giáo viên cũng dành thời gian giải đáp những thắc mắc của HS liên quan đến kiến thức, nguyện vọng. Ngoài trang bị kiến thức cho HS tham gia tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường luôn tạo điều kiện hỗ trợ HS lớp 12 tiếp cận với các phương thức tuyển sinh”, thầy Tuấn cho biết.

Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) mới đây đã tổ chức kỳ thi thử đánh giá năng lực cho 665 HS lớp 12 của trường. Kỳ thi thử được tổ chức “giống như kỳ thi thật” với 120 câu hỏi, làm trong 150 phút – nhà trường chia phòng, ghi số báo danh cho HS, phân công giám thị coi thi. Ngân hàng đề được các tổ chuyên môn xây dựng dựa trên đề thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM tổ chức hàng năm. Ngoài ra, tổ bộ môn của trường còn tham khảo thêm đề thi nước ngoài ở các câu tư duy, logic. Nhằm động viên, khuyến khích HS, nhà trường đã dành gần 20 triệu đồng để thưởng cho những em có kết quả cao trong kỳ thi này. “Theo thống kê, HS lớp 12 của trường tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM mỗi năm mỗi tăng. Mặc dù vậy, các em vẫn nghĩ kỳ thi trên là một kỳ thi rất “cao siêu”; tuy nhiên, thực tế kiến thức trong đề thi gần như nằm trong chương trình phổ thông, chỉ đánh giá thêm về khả năng tư duy của HS. Do đó, kỳ thi thử được nhà trường tổ chức với mong muốn mở ra cơ hội cho HS tiếp cận với kỳ thi, đề thi, trang bị thêm kiến thức, giúp các em đánh giá đúng năng lực thực sự của mình. Từ đó tự tin, mạnh dạn tham gia kỳ thi này, tăng cơ hội trúng tuyển vào các ngành học, trường học mà các em yêu thích”, thầy Võ Nu (Phó Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ.

Ngoài đánh giá năng lực, theo thầy Nu, HS lớp 12 của trường cũng rất chủ động tham gia xét tuyển bằng phương thức xét học bạ vào các trường ĐH. Có những lớp, HS sao lưu học bạ gần 100%, nộp cùng lúc vào nhiều trường ĐH khác nhau.

Không ch quan, c gng hc tp

“Có một thực trạng là hàng năm dù số lượng HS lớp 12 đăng ký thi đánh giá năng lực và xét tuyển học bạ luôn tăng nhưng tỷ lệ các em đăng ký nhập học bằng hai phương thức này, nhất là phương thức xét học bạ lại không nhiều. Vẫn còn tình trạng HS đăng ký hai phương thức này chỉ để “phòng hờ”, chờ kết quả thi tốt nghiệp THPT, thậm chí nhiều HS còn nhìn nhận trúng tuyển bằng xét học bạ là “kém sang””, hiệu trưởng một trường THPT ở Q.Tân Phú nói.

Nhìn từ mùa tuyển sinh năm 2020, phân tích sâu hơn, vị hiệu trưởng trên cho hay, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT phục vụ mục đích chính là xét tốt nghiệp, tính phân hóa trong đề thi không còn quá cao, dẫn đến tỷ lệ cạnh tranh giữa các HS có điểm số giỏi rất nhiều. Do vậy, sử dụng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào các trường ĐH, đặc biệt là các trường ĐH top trên thì sức cạnh tranh rất lớn, ngay cả HS giỏi cũng có thể “rơi vào diện nguy cơ”. “Việc nhiều trường ĐH đa dạng các phương thức xét tuyển chính là mở ra thêm cơ hội trúng tuyển cho HS, để các em có thể phát huy tối đa lợi thế của bản thân, theo đuổi ngành học mình mong muốn. Dù vào ĐH bằng phương thức nào cũng đều hướng đến một mục tiêu chính là theo đuổi ngành học yêu thích. Vì thế, nếu đã xét đúng ngành, đúng trường thì các em hãy mạnh dạn lựa chọn sớm khi đã trúng tuyển, đừng “đứng núi này, trông núi nọ” mà lỡ dở”, vị hiệu trưởng trên nhắn nhủ.

“BÍ KÍP” LÀM BÀI THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LC

Theo ThS. Phan Duy Khôi (giảng viên Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), để làm tốt bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM, các em nên tập thói quen đọc báo. Việc đọc báo sẽ giúp các em có thêm các từ ngữ mới, biết ngữ cảnh dùng những ngôn ngữ đó như thế nào, để khi đọc đề dù có bắt gặp các từ “là lạ” vẫn có thể trả lời nhờ gắn vào ngữ cảnh. Chẳng hạn, trong đề có câu “Lúc đó, chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn tình cảm, sự đón tiếp chu đáo, thịnh tình, trọng thị của nước CHLB Đức dành cho Việt Nam”, thì dù không biết từ “trọng thị” các bạn vẫn có thể hiểu qua nhờ gắn vào ngữ cảnh. Hay gặp dạng câu “tìm từ sai chính tả” thì các em cũng dễ dàng xử lý. Ngoài ra, đọc báo còn hình thành tư duy phân tích, khả năng nhạy bén, đánh giá, tóm tắt, viết đúng ngữ pháp…

Đưa ra lời khuyên cho HS lớp 12 sử dụng hiệu quả các phương thức xét tuyển, cô Lê Tường Quyên cho rằng trước hết các em phải cân nhắc vào ngành mình đăng ký học và năng lực học tập của bản thân để lựa chọn trường và chọn phương thức xét tuyển phù hợp. Có những ngành học đặc thù với tính cạnh tranh cao, phương thức xét học bạ lại dễ dàng có cơ hội trúng tuyển hơn là sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, các em vẫn phải xem năng lực học tập của mình ở đâu để sử dụng phương thức xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực vào các trường phù hợp, tránh tình trạng “rải” hồ sơ xét tuyển đều ở nhiều trường, vừa lãng phí, vừa gây nhiễu khi lựa chọn trường học, ngành học.

Trong khi đó, thầy Trần Công Tuấn nhìn nhận, tận dụng các phương thức xét tuyển ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giúp HS lớp 12 giảm bớt áp lực thi cử, xây dựng tinh thần, phong độ học tập, rèn luyện tốt. Mặc dù vậy, người học cũng không nên chủ quan, vẫn cố gắng học tập để đậu tốt nghiệp THPT với điểm số cao, làm lợi thế khi học tiếp lên bậc ĐH. “Để sử dụng hiệu quả phương thức xét học bạ hay điểm thi đánh giá năng lực, các em cần nghiên cứu thật kỹ ngành học, trường học yêu thích. Nếu không chọn được đúng ngành mình yêu thích thì nên chọn các ngành học gần nhau để có cơ hội học tập, làm việc trong ngành mình yêu thích sau này. Nếu muốn có cơ hội dự phòng thì cũng phải cân nhắc, tính toán, sao cho phù hợp tránh lãng phí”, thầy Tuấn lưu ý.

Bài, ảnh: Đ.Yến

Bình luận (0)