Câu chuyện về lá thư của cô học trò lớp 5 Nguyễn Nguyệt Linh (Trường Tiểu học Marie Curie, Hà Nội) gửi thầy Hiệu trưởng với thông điệp: “Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của học sinh – giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển” thực sự làm lay động rất nhiều người và qua đó đã tác động đến nhận thức cũng như hành động của không chỉ trẻ em mà cả người lớn.
Theo tác giả, cần khen thưởng những học sinh có cách làm hay trong việc bảo vệ môi trường sống. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) thiết kế vườn cây khí canh khử khí độc ở bãi xe của trường. Ảnh: Hồ Trinh
Nhưng đó lại là một chuyện khá cá biệt, khi nhìn trong học đường, vấn đề bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều điều đáng suy nghĩ. Hiện nay, nhìn vào các trường học, chúng ta dễ dàng nhận thấy nhiều điều chưa hay trong công tác bảo vệ môi trường. Tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn xảy ra; bên cạnh các thùng rác gần như luôn có rác bị vứt vương vãi bên ngoài; trong lớp học, học sinh viết vẽ trên bàn, trên tường khá phổ biến… Nguyên nhân của tình trạng này phải thẳng thắn nhìn nhận là do lỗi của người lớn là chủ yếu. Trong gia đình, chính cha mẹ chưa làm gương cho con về việc này; có phụ huynh khi đang đi trên đường được con hỏi: “Hộp sữa con uống xong thì làm sao?”, đã trả lời một cách hồn nhiên: “Vứt đại đâu đó đi con!”; khi đi ăn uống, một số phụ huynh vô tư bỏ rác xuống dưới ghế trong khi đã có sẵn giỏ rác… Liệu trong gia đình, ở nơi sinh sống, các bậc làm cha mẹ có thực sự thể hiện sự văn hóa, văn minh trong vấn đề ứng xử với môi trường để làm gương cho con chưa?
Ở nhà trường, có khi giáo viên và người lớn cũng chưa nghiêm khắc với mình để làm gương cho học sinh. Có câu chuyện thầy giáo thấy rác thì hỏi học sinh: “Sao em không nhặt lên?”, thì học sinh đó hỏi lại một câu có thể làm cho người thầy xấu hổ: “Sao thầy không nhặt mà bảo em?”. Hay việc xử lý nghiêm các trường hợp học sinh xả rác cũng không được thực hiện một cách đúng mực; có giáo viên thì chỉ nhắc nhở chung, có giáo viên/giám thị ghi nhận đó là lỗi để xử sau (nhằm đánh giá thi đua) mà không kiên quyết buộc học sinh đó phải khắc phục; có giáo viên chủ nhiệm quy thành lỗi và phạt tiền làm quỹ lớp… Hay việc lấy rác và xử lý rác trong nhà trường cũng chưa thật quy củ, như nơi để rác còn chưa ngăn nắp, thùng đựng rác có khi bốc mùi hôi và chảy nước, chưa phân loại rác, việc lấy rác và dọn rác đôi khi còn chưa hợp lý. Trong khi đó, các bài học đều nêu lên trách nhiệm, nghĩa vụ giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường cho học sinh, vốn luôn được xem là thế hệ tương lai của đất nước, của xã hội. Thế nhưng, giữa bài học và thực tế, giữa lý thuyết và thực hành dường như có khoảng cách không nhỏ.
Đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”, Sở GD-ĐT TP.HCM vừa đề nghị lãnh đạo các phòng GD-ĐT; trường THPT, TC, CĐ; trung tâm GDNN-GDTX và các đơn vị trực thuộc tổ chức đổi mới, đa dạng hóa các mô hình, nội dung, hình thức phổ biến giáo dục và truyền thông về bảo vệ môi trường trong trường học. Theo đó, xây dựng nhà trường theo các chủ đề: “Trường học không rác”, “Học sinh không xả rác”, “Môi trường sư phạm xanh – sạch – đẹp”, “Cổng trường em sạch đẹp, an toàn”, “Chống rác thải nhựa”; đồng thời tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm sử dụng túi ni-lông khó phân hủy… góp phần xây dựng TP văn minh – sạch đẹp – an toàn. Sở GD-ĐT TP đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm túc, hiệu quả vì “TP xanh – sạch – đẹp”. Minh Phương |
Từ thực tiễn đó, cần nghiêm túc xem xét lại vấn đề giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh các bậc học. Ngành giáo dục và nhà trường phải thực sự quan tâm đến nội dung này trong các bài học chính khóa và ngoại khóa, trong giảng dạy và sinh hoạt, trong kiểm tra, đánh giá và thực hành thường xuyên. Trong sinh hoạt thường xuyên, cần chú ý phê bình hành vi chưa tốt về vệ sinh môi trường của cả giáo viên và học sinh, chú ý biểu dương các hành động đẹp, nhất là nên khen thưởng cho học sinh có những cách làm hay. Xem xét đưa nội dung giữ gìn vệ sinh môi trường vào đánh giá hạnh kiểm, nhất là nhằm nhắc nhở những học sinh thường xuyên có hành vi chưa tốt. Định kỳ, nên tổ chức các hoạt động ngoại khóa hoặc lồng ghép về vấn đề môi trường, như việc phân loại rác, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ không khí, chống ô nhiễm tiếng ồn, nêu tác hại của rác thải nhựa… Bản thân giáo viên nên làm gương trong vấn đề này, thể hiện qua việc tích cực trồng và chăm sóc cây xanh, chủ động nhặt rác khi nhìn thấy, hạn chế sử dụng các đồ dùng bằng nhựa. Nhà trường và giáo viên phải chú trọng công tác này để tác động sâu sắc đến nhận thức và hành động của học sinh, đủ sức thay đổi hành vi một cách rõ rệt và từ đó tác động ngược đến người thân trong gia đình của các em. Phải tránh giáo dục vệ sinh môi trường mang tính “nửa vời” như hiện nay, khi có rất nhiều điều kêu gọi thì quyết liệt và thường xuyên nhưng hành động thì ít ỏi và tùy hứng. Phải làm sao cho mỗi học sinh là một sứ giả bảo vệ môi trường, thay vì cách làm hiện nay là tác động được đến đâu thì hay đến đó. Có như vậy, nhà trường và xã hội mới có thêm nhiều học sinh như Nguyễn Nguyệt Linh với những hành động cụ thể và tích cực trong công tác gìn giữ môi trường sống không chỉ của chúng ta mà của các thế hệ mai sau!
Nguyễn Minh Tâm
Bình luận (0)