Nếu không gắn những đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật của sinh viên với thực tiễn sẽ gây lãng phí lớn |
“Chất xám” của hàng vạn sinh viên ở các trường ĐH bị lãng phí vì những đề tài luận văn tốt nghiệp không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và thiếu tính ứng dụng…
Tại hội thảo “Nhu cầu nhân lực các ngành công nghệ: Vì sao nên chọn học các ngành công nghệ?” mới được ĐH Công nghệ Sài Gòn tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long) cho rằng, cần có môi trường thúc đẩy nghiên cứu khoa học kỹ thuật để kích thích lòng đam mê và óc sáng tạo cho sinh viên.
“Thổi” đam mê vào khoa học kỹ thuật!
Theo PGS. Tống, trong cuộc đời mỗi người đều có nhiều lĩnh vực để đam mê như đánh ván cờ, chơi bản nhạc, làm thơ, vẽ tranh, leo núi… Người có năng lực về mảng gì thường phát triển đam mê mảng đó, và một khi đã đam mê thì thường sẽ giỏi. Những công việc mang tính sáng tạo thường đem lại nhiều đam mê nhất. Đó là công việc của những nghệ sĩ và của cả những nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật.
PGS. Tống định hướng, những người say mê khoa học kỹ thuật nên chọn thi và theo học những ngành này bởi nhu cầu, hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật phong phú và luôn đem lại những giá trị xã hội to lớn. Trên thực tế, việc chọn ngành học trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ ở nước ta thường mang tính chất lâu dài, thậm chí trọn đời dù rằng yêu cầu từ thực tiễn có thể khiến một người có nhiều thay đổi về ngành nghề. Vì mục tiêu ngắn hạn, trước mắt, nhiều người chọn học ngành, trường dễ đậu, dễ kiếm việc làm hoặc lương cao. Trong khi đó họ bỏ qua yếu tố quan trọng là đam mê và năng lực.
Việc kích thích lòng say mê khoa học kỹ thuật của giới trẻ, nhất là sinh viên rất cần được quan tâm. Lợi thế của những người trẻ đối với sáng tạo khoa học kỹ thuật chính là ở suy nghĩ tự do, không bị ràng buộc bởi lối mòn kinh nghiệm và cách nghĩ truyền thống. Đặc biệt, người trẻ thường có cao vọng và chấp nhận “thất bại là mẹ thành công”. Tuy nhiên, không thể sáng tạo, nghiên cứu khoa học kỹ thuật chỉ bằng trí thông minh và tinh thần táo bạo mà thiếu nền tảng kiến thức. Kiến thức nền tảng cũng sẽ giúp hạn chế những sai sót.
Cần có “đất” cho cây “đâm chồi”
Ở nhiều nước, hằng năm luôn có những cuộc thi bình chọn các nhà khoa học kỹ thuật tuổi học sinh. Quan trọng nhất không phải kết quả mà chính là ý tưởng sáng tạo và lập luận khoa học của các em. Giải thưởng cũng không lớn lắm nhưng tạo động lực và môi trường cho các em tiếp tục phát triển khả năng. Đây thực chất cũng là nguồn tài năng trẻ cho các chương trình nghiên cứu khoa học của quốc gia.
Tại Việt Nam, cuộc thi “Nhà sáng tạo trẻ” mà đầu tiên là “Nhà khoa học kỹ thuật nhỏ tuổi” (do Báo Khăn quàng đỏ, Mực tím tổ chức) tạo được sức hút và có ý nghĩa xã hội, tuy nhiên, hiện nay không có cuộc thi nào tương tự. PGS. Tống nhận định, tác dụng của những cuộc thi như vậy sẽ được nhân rộng nếu ngành giáo dục vào cuộc với chủ trương đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa về khoa học kỹ thuật cho học sinh, sinh viên. Năm 1995, ngành giáo dục đã nhập cuộc nhưng vẫn chưa đủ sức lan tỏa. Vì vậy, hoạt động này cần phải được chú ý hơn.
Các trường ĐH cần phải có môi trường thúc đẩy nghiên cứu khoa học kỹ thuật để kích thích đam mê cho sinh viên. Một khi có “đất” để “dụng võ” thì nhu cầu học tập tích lũy kiến thức mới phát triển. Và khi kiến thức được vận dụng để giải quyết các vấn đề của nghiên cứu khoa học thì sinh viên càng hăng say. Tuy nhiên, đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật phải xuất phát từ nhu cầu doanh nghiệp hay thực tiễn cuộc sống. “Thực tế, “chất xám” của hàng vạn sinh viên các trường ĐH đã bị lãng phí vì những đề tài luận văn tốt nghiệp không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và kết quả không có giá trị sử dụng” – PGS. Tống khẳng định. Nguyên nhân nằm ở sự thiếu gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Doanh nghiệp không đặt hàng nghiên cứu khoa học kỹ thuật khiến cho trường ĐH cũng không tiếp cận được nhu cầu kỹ thuật sản xuất.
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống đặt vấn đề cộng điểm thưởng cho những mô hình thí nghiệm vật lý, hóa học, những sưu tập địa chất, thực vật… đoạt giải các cuộc thi khoa học kỹ thuật ở trường, cấp tỉnh, thành và toàn quốc. Nếu những thành tích sáng tạo khoa học kỹ thuật được xét đến trong tuyển sinh ĐH như các nước thì hoạt động khoa học kỹ thuật ở bậc trung học của nước ta sẽ phát triển mạnh.
Bên cạnh đó, việc thay đổi cách tuyển sinh, xây dựng môi trường ĐH thuận lợi cho việc phát triển lòng say mê khoa học kỹ thuật là những hướng giải pháp được đề cập. Nhất là tạo điều kiện để sinh viên được chuyển đổi ngành học dễ dàng. Bởi hiện nay, sinh viên thường bị bắt buộc phải chọn lĩnh vực chuyên môn hẹp ngay từ rất sớm và cũng rất khó để thay đổi trong quá trình học. Quy định cứng nhắc này đóng cửa những cơ hội của các em trong việc tìm hiểu, học tập các lĩnh vực chuyên môn có liên quan hoặc cả lĩnh vực khác để có thể xác định được thế mạnh, tiềm năng thực sự của bản thân.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)