Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tránh lây lan mùa… đau mắt đỏ

Tạp Chí Giáo Dục

BS đang khám cho một bệnh nhân đau mắt đỏ. Ảnh: T.LÊ

Từ tháng 7 đến tháng 8 hằng năm, căn bệnh đau mắt đỏ thường gia tăng rất nhanh do thời tiết mưa nắng thất thường, cơ thể con người dễ mệt mỏi, hệ thống miễn dịch hoạt động yếu, tạo điều kiện cho virus dễ tấn công. Nếu không thận trọng thì bệnh đau mắt đỏ có thể phát triển thành dịch vì đây là một bệnh rất dễ lây lan.
Triệu chứng của bệnh
Chị Lê Thị Tâm (quận Gò Vấp – TP.HCM) cho biết, cách đây 4, 5 ngày chị thấy có cảm giác cộm trong mắt, rồi nhức, ngày hôm sau thấy nhức mắt hơn, chảy nước mắt, có nhiều ghèn khi ngủ dậy. Lúc đầu chị cũng nghi là bị đau mắt đỏ nhưng thấy biểu hiện bệnh nhẹ nên chủ quan không đeo kính, không mua thuốc nhỏ, hai hôm sau thì thấy chồng cũng bị các biểu hiện tương tự nên cả hai vội vã đi bệnh viện. Còn chị Lan Thu (quận 5 – TP.HCM) thì lo lắng: “Hơn một tuần nay mắt tôi viêm nặng, ban đầu là mắt trái rất ngứa rồi sưng, đỏ, đi khám, BS chẩn đoán là viêm kết mạc và kê 3 loại thuốc nhỏ bao gồm: Bi-otra, Dexatrol và Alegysal. Sau 5 ngày thì mắt trái đỡ đỏ nhưng vẫn ngứa nhưng mắt phải bắt đầu ngứa, đỏ và sưng. Tôi đi khám lại, BS yêu cầu tiếp tục dùng thuốc như cũ. Triệu chứng mắt tôi là nguyên nhân gì, có bị lây nhiễm cho người khác không, cách phòng bệnh như thế nào?”.
Đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc do virus adeno gây nên, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường được cảnh báo nhiều nhất là vào mùa hè. Bệnh này lây truyền qua đường hô hấp, đường tiếp xúc, đồ dùng cá nhân (khăn mặt), nguồn nước, dễ phát thành dịch nếu có người mắc bệnh đang ở trong cộng đồng đông người như: Trường học, bệnh viện, công xưởng…
Khi mắc bệnh, bệnh nhân thường có cảm giác cộm hoặc nóng trong mắt, chảy nước mắt. Mi mắt sau đó có thể sưng và mắt bị đỏ. Trường hợp nặng hơn có thể gây đổ ghèn sau khi ngủ. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt sau đó lây sang mắt thứ hai sau một vài ngày nhưng có thể không cân xứng, một mắt nặng hơn mắt kia.
Đây là bệnh lành tính song vẫn có tỷ lệ biến chứng là 20%, nhiều nhất là viêm giác mạc hoặc để lại sẹo, giảm thị lực do không điều trị đúng cách. Như trường hợp của Nguyễn Kim A. (sinh viên Trường ĐH Kinh tế -TP.HCM) bị đau mắt đỏ, hiện đã khỏi nhưng thị lực lại kém đi, nhìn xa không thấy rõ lắm. Đây có thể  là do bệnh đau mắt đỏ gây ra nên, cần phải đi khám BS mắt để được điều trị kịp thời.
Phòng bệnh không khó
Đau mắt đỏ chưa có thuốc đặc trị nhưng bệnh có xu hướng tự khỏi trong 7-10 ngày. Thông thường, bệnh được chỉ định dùng các thuốc diệt virus như uống, tra, nhỏ mắt được BS kê đơn trong những trường hợp cụ thể. Ngay khi thấy mắt có biểu hiện bệnh, người bệnh có thể điều trị tại nhà bằng dung dịch muối sinh lý hoặc nhỏ kháng sinh Natri clorua. Cần thận trọng khi dùng thuốc Clodexa và Nemydexan vì các thuốc này có chứa chất gây giảm miễn dịch mắt. Không nên tự ý dùng lá cây đắp mắt theo cách chữa trị dân gian vì ấu trùng giun trong lá có thể chui vào mắt và gây biến chứng nặng nề cho mắt. Để phòng ngừa dịch lây lan, những trường học hoặc gia đình có người mắc bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc phòng bệnh như: Người bệnh phải dùng khăn, chăn màn, gối và vật dụng cá nhân riêng, đồng thời nên đeo kính khi tiếp xúc với đám đông. Học sinh mắc bệnh không nên cho ngủ chung với học sinh khác cũng như cho các em nghỉ học vài hôm. Để phòng bệnh, cần giữ vệ sinh đôi mắt, không dùng tay bẩn hoặc khăn bẩn lau dụi mắt, vệ sinh tay sạch sẽ bằng cách rửa xà phòng. Tránh tiếp xúc và không dùng chung đồ với người đau mắt đỏ. Khi thấy các triệu chứng như mắt cộm, ngứa, chảy nước mắt thì nên đến chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị nhằm tránh gây biến chứng.
BS. VÕ TẤN CẢNH
(Chuyên Khoa mắt – Bệnh viện Trưng Vương – TP.HCM)

Bình luận (0)