Tại phiên thảo luận tổ sáng 24-10, phần lớn thời gian được các đại biểu Quốc hội dành để ủng hộ hoặc phản đối đề xuất giao cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT thẩm quyền quyết định việc thành lập, giải thể, sáp nhập các trường ĐH theo dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục.
Tại một số tổ, không khí thảo luận nhiều lúc sôi nổi đến mức quyết liệt.
Các đại biểu Hoàng Minh Nhất (Hà Giang), Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), Trần Hoàng Thám (TP.HCM) đều phản đối việc giao quyền cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT và đề nghị vẫn giữ nguyên như luật hiện hành, tức thẩm quyền quyết định đối với trường ĐH phải thuộc Thủ tướng.
“Tôi không hiểu động cơ gì mà phải thay đổi. Hồi tháng 1-2009 Chính phủ đã có quyết định quy định rất rõ ràng quy trình thành lập đối với các trường ĐH rồi, nếu làm đúng như thế thì không phải bàn gì nữa” – đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng nói.
Trong khi đó một số đại biểu khác ủng hộ quy định của dự thảo nên giao cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định đối với trường ĐH. Đại biểu Huỳnh Thành Đạt – phó giám đốc ĐHQG TP.HCM – cho rằng nếu giữ thẩm quyền quyết định thuộc Thủ tướng như hiện nay thì theo quy trình vẫn phải qua thẩm định, tham mưu của bộ trưởng Bộ GD-ĐT nên thực chất Thủ tướng chỉ là người ký mà thôi.
Tương tự, đại biểu Đặng Ngọc Tùng (TP.HCM) cho rằng vấn đề ai quyết định không quan trọng bằng việc người đó có chịu trách nhiệm với quyết định của mình hay không.
Theo ông Tùng, việc giao quyền quyết định cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT là cần thiết nhưng phải quy định rõ bộ trưởng Bộ GD-ĐT là người quyết định và chịu trách nhiệm duy nhất, tránh tình trạng như hiện nay các bộ cùng tham gia thẩm định do Bộ GD-ĐT chủ trì, dẫn đến kết quả như trong trường hợp ĐH Phan Thiết mới đây không biết quy trách nhiệm cho ai.
Ông Tùng dứt khoát: “Cứ giao cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT, anh quyết định sai thì cách chức".
Một số ý kiến khác nhận xét dự thảo luật sửa đổi lần này chưa giúp giải quyết được những vấn đề dư luận đang bức xúc như chương trình giáo dục phổ thông quá nặng, dạy thêm học thêm tràn lan, nhiều khoản thu ngoài quy định…
N.TRIỀU (TTO)
Bình luận (0)