Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tránh mẩn ngứa mùa lạnh

Tạp Chí Giáo Dục

Theo các bác sỹ, mẩn ngứa da là một bệnh thường hay gặp vào mùa đông. Hiện trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh, BV Da liễu TƯ tiếp nhận khám cho khoảng trên 200 bệnh nhân thuộc đủ mọi lứa tuổi vì bị mẩn ngứa da.

Người lớn, trẻ em đều bị bệnh
Tại phòng khám do BS Nguyễn Thành phụ trách ở BV Da Liễu TƯ, dù chưa hết buổi sáng số bệnh nhân đến khám đã lên đến hơn 60 người. Chị Nguyễn Thị Dơn (ở đường Thổ Quan 1, quận Đống Đa) đang chờ đến lượt khám cho biết: Cứ đến mùa rét, chị lại khốn khổ vì ngứa, nhất là vùng đùi và chân. Thấy da khô, chị mua kem dưỡng ẩm thoa lên chỗ ngứa vẫn không có tác dụng. Nghĩ do mồ hôi gây ngứa vì mặc nhiều áo nên chị thường xuyên tắm nước nóng và dùng xà phòng xát vào chỗ bị ngứa mà… vẫn ngứa. Không chịu được, chị gãi đến sạm cả đùi để giải tỏa cơn ngứa. Kết quả là càng gãi, những chỗ ngứa càng ngứa hơn.
Không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng bị mẩn ngứa do thời tiết thay đổi. Cháu Hoàng Văn Trung (Hà Đông, Hà Nội) được mẹ đưa vào khám với hai bên má sưng nhẹ và đỏ ửng như bôi son. Mẹ của cháu cho biết, da của bé rất nhạy cảm nên dễ bị dị ứng khi thời tiết thay đổi. Trước đó một tuần trên má cháu nổi vài chấm đỏ, tưởng cháu chỉ bị nẻ nên chị mua nước muối rửa cho con nhưng không đỡ. Vết đỏ trên má cháu ngày càng lan rộng, chị lại mua thuốc mỡ tra mắt để bôi nhưng được một hôm thì da má cháu bị dị ứng, sưng phồng lên, đau rát.
Theo BS Nguyễn Thành, vào mùa đông thường hay gặp ngứa do dị ứng thời tiết và viêm da cơ địa. Khi dị ứng trên da sẽ nổi những nốt sần, phù, màu đỏ và gây ngứa những phần hở, từ đó có thể lan toàn thân. Nguyên nhân do mùa lạnh tuyến mồ hôi ít hoạt động làm da khô, người bệnh lại lười uống nước nên lượng nước cung cấp cho da bị thiếu. Triệu chứng khô da sẽ kích thích dây thần kinh ở đầu mút da khiến cho người bệnh gặp phải triệu chứng da khô mốc lên, gây ngứa toàn thân.
BS Đinh Doãn Thạch, Trưởng Khoa khám bệnh (BV Da liễu Hà Đông) cho biết một nguyên nhân nữa là do mùa đông giá lạnh, nhất là nhiệt độ giữa ngày và đêm thay đổi lớn làm kích thích cơ địa ở những người có sức khỏe yếu, làn da mẫn cảm gây dị ứng da. Nhiều trường hợp vào khám trong tình trạng da bị dị ứng nặng, vết viêm da bị nhiễm trùng do người bệnh chủ quan không chữa trị ngay hoặc tự mua thuốc điều trị không đúng chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc…
Những thói quen xấu tăng ngứa
Theo BS Thạch, thói quen xấu trong chăm sóc da mùa đông sẽ làm chứng ngứa da nặng hơn nhiều. Chẳng hạn như tắm quá nhiều và tắm nước quá nóng. Việc tắm quá nhiều càng khiến da bị khô, nên mỗi ngày tắm một lần là tối đa trong mùa lạnh, những người da quá khô chỉ nên tắm 3 – 4 lần/ tuần. Tắm nước quá nóng và quá lâu sẽ làm mất hết các chất nhờn bảo vệ da, làm da mau khô và nứt nẻ. Mùa lạnh chỉ nên tắm bằng nước đủ ấm. Sau khi tắm, bạn nên bôi kem dưỡng ẩm, an toàn nhất là dùng kem dành cho trẻ em. Việc sử dụng hóa chất, xà phòng tẩy rửa cũng sẽ càng làm ngứa tăng thêm.
Một thói quen nữa cũng rất có hại cho da trong mùa đông là uống ít nước. Mùa đông thậm chí da còn cần nhiều nước hơn mùa hè dù không có cảm giác khát. Uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày là thao tác đơn giản nhất để bù nước cho da.
BS Nguyễn Thành khuyến cáo, người bị dị ứng cơ địa thường rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết. Bởi vậy khi thời tiết thay đổi cần chú ý giữ nhiệt độ cho cơ thể, khi ngủ không nên mở rộng cửa sổ để tránh gió lùa. Đặc biệt, khi thấy da có biểu hiện bị dị ứng, sẩn ngứa thì không được chủ quan, cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ chỗ vết dị ứng, không chà xát mạnh quanh vết dị ứng để tránh bị nhiễm trùng. Nếu thấy bệnh tiến triển nặng hơn cần sớm đến bệnh viện chuyên khoa khám, không nên tự ý mua thuốc về điều trị.
Việc sử dụng máy sưởi thường xuyên cũng chính là tác nhân khiến da bị mất nước, làm da bị khô và ngứa. Bạn nên dùng một máy giữ độ ẩm trong phòng và nhiệt độ trong phòng chỉ nên ở mức 22 – 30oC đừng để quá nóng. Người có cơ địa dị ứng cần tránh mặc quần áo bằng chất liệu len, bố… Tránh mặc quần áo quá chật kẻo da bị cọ xát, dễ gây kích thích tại chỗ. Những thức ăn dễ gây dị ứng như hải sản, các chất được lên men như dưa, cà muối chua… cũng cần hạn chế ăn.

“Ngứa da do thời tiết chỉ điều trị khỏi từng đợt, không thể chữa khỏi vĩnh viễn. Đối với một số người, khi thời tiết ấm lên, cơn ngứa cũng chấm dứt. Song người bệnh nên đi khám chuyên khoa để được chỉ định dùng thuốc, tránh để da bị viêm. Khi ra ngoài trời lạnh, cần đeo găng tay, đội mũ để tránh lạnh và bảo vệ da khỏi bốc hơi nước. Ngoài ra cần ngủ đủ giấc để giúp các tế bào da được tái tạo”, BS Đinh Doãn Thạch nói.

Theo Hà My
Gia đình

Bình luận (0)