Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tránh mối hoạ suy giảm trí nhớ

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy một chế độ dinh dưỡng đúng đắn và sự rèn luyện thường xuyên có tác dụng rất lớn trong ngăn ngừa suy giảm trí nhớ, một chứng bệnh đang diễn ra khá phổ biến, đặc biệt với những người cao tuổi.
Cá trích là nguồn thực phẩm rất giàu choline – một dưỡng
chất quan trọng cho sự phát triển của não. Ảnh: SGTT
Dinh dưỡng ngăn ngừa suy giảm trí nhớ là một trong những nguyên tắc của chế độ dinh dưỡng cơ bản để chống lại sự lão hoá. Để thực hiện, ta cần chú ý những điểm sau:
Chọn thực phẩm có lợi cho não
Dưỡng chất phospholipid: các chất dinh dưỡng tạo những chất hoá học quan trọng của não gồm: Phosphatidyl choline và DMAE (tiền chất của Acetylcholine), Phosphatidyl serine và pyroglutamate (làm tăng thụ thể). Phosphatidyl choline và Phosphatidyl serine là hai loại của phospholipid – được mệnh danh “chất béo thông minh”. Nguồn thực phẩm giàu choline nhất là cá (đặc biệt cá trích) và trứng, kế đến là gan, đậu nành, đậu phộng và các loại đậu khác. Phospholipid có nhiều trong lòng đỏ trứng và thịt nội tạng. Pyroglutamate được tìm thấy nhiều trong thực phẩm như cá, sữa và sản phẩm từ sữa, trái cây và rau.
Chất béo thiết yếu: giúp cấu tạo màng tế bào thần kinh. Chất béo thiết yếu, đặc biệt omega-3, có nhiều trong cá béo. Theo khuyến nghị dinh dưỡng của thế giới, ăn ba bữa cá béo (cá basa, trích, hồi, thu, hoặc cá ngừ) trong một tuần còn giúp giảm 1/2 nguy cơ bị cơn đau tim.
Vitamin và chất khoáng: tham gia các hoạt động chuyển hoá và chống oxy hoá tế bào não, nhất là vitamin B và kẽm. Khi thiếu các vitamin B, đặc biệt acid folic và B12, sẽ gây thiếu máu dẫn đến thiếu cung cấp oxy cần thiết cho não. Vitamin B1 (thiamin), B2 (riboflavin), B3 (niacin) giúp não sử dụng oxy để sinh năng lượng trong mỗi tế bào. Ba loại vitamin B liên quan đến trí nhớ: B3 (niacin), B5 (pantothenic acid), B12 (cyanocobamin). Các vitamin B hoạt động cùng nhau bằng nhiều cách để giúp não tạo ra và sử dụng các chất dẫn truyền thần kinh. Điều quan trọng cần nhớ, các vitamin B nên dùng chung với nhau, do đó, nếu muốn bổ sung một loại vitamin B thì cũng nên dùng dạng B complex hoặc multivitamin. Kẽm cũng có liên quan đến trí nhớ. Thiếu kẽm sẽ dẫn đến giảm trí nhớ. Kẽm có nhiều trong cá, hải sản (đặc biệt trong con hàu). Lưu ý, cần hạn chế uống rượu mạnh vì đó là tác nhân gây tổn thương não.
Vận động cơ thể thường xuyên
Thường xuyên vận động cơ thể sẽ giúp ta phát triển khối cơ, giảm khối mỡ, xương chắc, hạn chế mất cơ, giảm tích mỡ, hạn chế loãng xương khi có tuổi, giúp giữ dáng vóc trẻ trung. Ngoài ra, vận động còn giúp cơ thể tăng tuần hoàn đến các cơ quan, làm da dẻ hồng hào, tăng khả năng hoạt động trí não. Tuỳ điều kiện mà mỗi người nên áp dụng các hình thức vận động phù hợp với sức khoẻ.
Nên nhớ, cách ăn uống và lối sống trong quá khứ sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của ta hôm nay, và những gì ta làm hôm nay sẽ ảnh hưởng đến tương lai. Do đó, để có một cơ thể khoẻ mạnh, trí óc minh mẫn khi có tuổi, ta cần sớm áp dụng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt thích hợp ngay khi còn trẻ.
Trí não cũng cần tập luyện
Lời khuyên tốt nhất để có trí não sắc bén là “sử dụng nó, hoặc mất nó”. Để không mất nó, ta nên thường xuyên rèn luyện trí não bằng cách giải câu đố, học điều mới đều đặn là những cách tác động tích cực lên khả năng trí não. Tập thói quen đọc ngay từ lúc trẻ cũng sẽ giúp củng cố chức năng nhận thức trong những thập niên về sau. Những người ít hoạt động thể lực và trí não ở tuổi trung niên sẽ có nguy cơ bị Alzheimer gấp ba lần khi có tuổi. Tăng hoạt động trí não suốt giai đoạn trưởng thành sẽ đặc biệt bảo vệ trí não.
TS.BS Trần Thị Minh Hạnh
Trưởng khoa dinh dưỡng cộng đồng, trung tâm dinh dưỡng TP.HCM
(Theo SGTT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)