Nhiều trường học và doanh nghiệp vẫn chưa có tiếng nói chung, chương trình đào tạo nghề vẫn chưa thật sự phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp. Từ đó chưa tạo được sự thuận lợi cho học sinh – sinh viên tiếp cận với môi trường tác phong công nghiệp và tìm việc làm sau khi ra trường.
Đại diện Hiệp hội các trường CĐ, TC kinh tế – kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Dịch vụ việc làm – Hỗ trợ doanh nghiệp và Trường CĐ bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp ký kết hợp tác kết nối tại tọa đàm |
Nhiều đại biểu đến từ các doanh nghiệp trong KCX-KCN TP.HCM khẳng định như vậy tại tọa đàm và ký kết hợp đồng hợp tác kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp về “Đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực, thực tập” do Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ doanh nghiệp (Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM) phối hợp cùng Hiệp hội các trường CĐ, TC kinh tế – kỹ thuật tổ chức mới đây. Đây cũng là dịp để nhà trường và doanh nghiệp cùng trao đổi, thảo luận hướng đến thống nhất trong đào tạo, nhu cầu tuyển dụng và kế hoạch thực tập, kiến tập cho học sinh – sinh viên trên địa bàn TP cũng như các tỉnh lân cận.
Củng cố quan hệ nhà trường và doanh nghiệp
Phó Trưởng ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM Đào Xuân Đức cho biết việc củng cố sự kết nối, quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là thật sự cần thiết. Qua đó tạo điều kiện cho học sinh – sinh viên được tiếp xúc gần hơn với ngành nghề, môi trường làm việc thực tế sau khi ra trường; giúp các em nâng cao kỹ năng và khả năng tiếp cận thực tế nghiệp vụ chuyên môn; nêu cao tính kỷ luật và tác phong nghiêm túc trong lao động.
Tương tự, ông Phạm Hải Định (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Đồng An, Bình Dương) cho rằng đã đến lúc nhà trường và doanh nghiệp cởi mở, thẳng thắn để cùng đi đến mục đích chung là đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp. Tránh tình trạng, nhà trường đào tạo thừa, còn doanh nghiệp lại thiếu nguồn nhân lực phù hợp.
Tại tọa đàm, bà Phạm Thúy Hiền (Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Sản xuất Fist Solar Việt Nam) cho biết đơn vị vừa tuyển dụng hơn 800 lao động, kỹ thuật viên có trình độ từ THPT, sơ cấp và TC nghề. Tuy nhiên, hầu hết học viên ra trường còn thiếu các kỹ năng sống, chưa nắm rõ về Luật Lao động hay thang bảng lương… Đây thật sự là lãng phí lớn khi doanh nghiệp phải bỏ chi phí đào tạo lại.
Bà Hiền kiến nghị: “Mong muốn của doanh nghiệp trong thời gian tới là được khảo sát học sinh – sinh viên mới ra trường, hoặc phối hợp cùng nhà trường đào tạo, tuyển dụng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM công bố bảng khảo sát lương dành cho khối công nhân, các vị trí lao động để doanh nghiệp có căn cứ trả lương phù hợp với năng lực của từng người”.
Cần nhân lực 4 ngành mũi nhọn
Ông Phạm Hải Định (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Đồng An, Bình Dương) cho rằng đã đến lúc nhà trường và doanh nghiệp cởi mở, thẳng thắn để cùng đi đến mục đích chung là đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp. |
Đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh/thành cũng bày tỏ mong muốn được khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp trong tuyển dụng, đào tạo theo ngành nghề; khảo sát nhu cầu của học sinh – sinh viên chọn nghề để từ đó định hướng công tác quản lý, đào tạo đúng, có chất lượng và đạt hiệu quả. Các đại biểu cũng đánh giá cao việc kết nối sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt giữa nhà trường và doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận, học tập trong môi trường hiện đại và tìm được việc làm phù hợp sau khi ra trường.
Theo khảo sát trên 500 doanh nghiệp mới đây của Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM, nhu cầu lao động có trình độ tay nghề và đã qua đào tạo từ sơ – TC trở lên trong năm 2018 và 2019 là gần 11.000 lao động. Trong đó, có 10% doanh nghiệp có nhu cầu tiếp nhận học sinh – sinh viên thực tập, kiến tập (và cho cả giảng viên). Đây sẽ là cơ hội học tập và việc làm cho các em từ chương trình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Hiện TP.HCM có 17 KCX-KCN, thu hút hơn 1.600 doanh nghiệp hoạt động với hơn 288.000 lao động. Trong đó lao động làm việc tại các doanh nghiệp có vốn trong nước chiếm 29,17%, lao động làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 70,83%.
Ông Đào Xuân Đức cho biết thêm, Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM đang kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào 4 lĩnh vực mũi nhọn theo định hướng phát triển của TP là điện – điện tử, hóa dược, cơ khí và chế biến tinh lương thực – thực phẩm có công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, sạch và tiết kiệm năng lượng.
T.Anh
Bình luận (0)