Cuộc cạnh tranh đại diện quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng nóng hơn khi có sự xuất hiện của các đơn vị mới ráo riết ký hợp đồng với các ca sĩ, nhạc sĩ.
Sản xuất băng đĩa được xem là lĩnh vực dễ “nắm tóc” thu tiền tác quyền nhất Ảnh: Gia Tiến |
Trung tuần tháng 7, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã gửi thông báo đến Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) và các nhạc sĩ thành viên thuộc trung tâm để phản đối việc RIAV vận động các nhạc sĩ ký hợp đồng ủy thác cho RIAV khai thác tác phẩm trong lĩnh vực sản xuất băng đĩa, chương trình. Theo VCPMC, đây là các quyền mà nhạc sĩ đã ủy thác cho trung tâm và việc RIAV ký hợp đồng sẽ dẫn đến những xung đột pháp lý không đáng có giữa hai đơn vị.
Đua nhau hợp tác
Liên quan đến cuộc “đụng độ” giữa hai đơn vị đại diện tập thể quyền, vừa qua GS.NSND Trọng Bằng đã có văn bản gửi RIAV từ chối ký hợp đồng vì “đã ủy quyền cho VCPMC”. Ông Bằng cũng kiến nghị hai đơn vị nên bàn bạc, phối hợp hoạt động nhằm “phục vụ hiệu quả quyền lợi chính đáng của giới nhạc sĩ trong và ngoài nước”. Vướng mắc hiện nay là điều khoản không chuyển giao, chuyển nhượng các quyền đã ủy thác cho VCPMC cho bên thứ ba bất kỳ trong suốt thời gian năm năm (so với một năm của RIAV) hiệu lực của hợp đồng (điều 3.5) mà VCPMC đã ký với 1.674 tác giả. Theo đó, nếu ủy thác cho bên thứ ba, các nhạc sĩ đã vi phạm hợp đồng với VCPMC. |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Huỳnh Thị Ngọc Hạnh, giám đốc trung tâm cấp phép của RIAV, khẳng định việc làm của hiệp hội chỉ nhằm mục đích đơn giản hóa các thủ tục rườm rà, tránh lãng phí thời gian, công sức, đồng thời giúp đỡ hội viên – các nhà sản xuất băng đĩa.
Bà nêu ví dụ khi một hãng đĩa bất kỳ thực hiện một đĩa nhạc thì phải thanh toán tiền tác quyền trực tiếp cho tác giả, hoặc được xác nhận đã trả tiền thông qua trung tâm rồi mới ôm cả xấp hồ sơ đi xin giấy phép phát hành.
“Nếu chẳng may trong số các tác phẩm đó có một hai bài không được duyệt thì hãng đĩa phải loại bỏ, rồi phải chạy sang trung tâm đòi lại khoản tiền đã đóng. Rất mệt mỏi!” – bà Hạnh nói. Bà cũng nói thêm RIAV chỉ khoanh vùng trong phạm vi sản xuất băng đĩa, chương trình, xuất bản phẩm là những lĩnh vực mà các thành viên hiệp hội thường xuyên thực hiện.
Phản bác quan điểm trên, VCPMC cho rằng RIAV chỉ là đơn vị quản lý quyền liên quan và chỉ đại diện các hãng băng đĩa chứ không quản lý quyền tác giả và đại diện cho nhạc sĩ.
Ông Phó Đức Phương, giám đốc VCPMC, khẳng định những quyền mà RIAV muốn ký với các nhạc sĩ đều là những quyền mà tác giả đã ủy thác cho trung tâm, hoặc do VCPMC đại diện theo các quy định của pháp luật. Giải thích về việc các nhà sản xuất phải chạy tới lui xin xác nhận của trung tâm, ông Phương nói: “Thủ tục thẩm định hồ sơ cho chương trình biểu diễn, băng đĩa hiện nay chỉ 15-20 phút. Nếu lâu chỉ là trường hợp hồ sơ của nhà sản xuất ghi không chính xác, tác phẩm nhạc ngoại lời Việt cần có sự đồng ý của chủ sở hữu ở nước ngoài hoặc tác giả chưa được Nhà nước cấp phép vì lý do nhân thân”.
Được biết, không chỉ RIAV xúc tiến ký hợp đồng với tác giả mà những đơn vị khác như Việt Nữ, Inet, BlueSea… cũng đang ký hợp đồng hợp tác với các nhạc sĩ, ca sĩ từ Nam chí Bắc để cùng khai thác tác phẩm ở mảng nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại, Internet và phân chia lợi nhuận trên tổng số lượt tải, cài đặt.
Tác giả hưởng lợi
Nhạc sĩ Hoài An, người vừa phát hành đĩa nhạc Mai, cho biết phương thức hợp tác giữa anh và Việt Nữ là khoán trọn gói. Việt Nữ trả cho anh một khoản phí cố định để được độc quyền khai thác đĩa Mai trong lĩnh vực nhạc chuông, nhạc chờ. “Vì đã trả trước nên nếu số tiền Việt Nữ thu được từ khách hàng cao hơn thì họ có lợi, còn ít hơn thì An có lợi. Với An, cái lợi trước mắt là khỏi phải chờ đợi, tới lui nhận tiền” – nhạc sĩ Hoài An nói.
Còn theo nhạc sĩ Quốc Dũng: “Tôi đã nhận được hợp đồng của bên RIAV gửi và sắp tới sẽ tiến hành ký kết. Tôi cũng mong các đơn vị nên nghiên cứu thêm phương án thanh toán cho tác giả, chuyển khoản hay sao đó để tránh việc chúng tôi phải đi tới lui hoặc đến nhiều nơi”.
Với nhiều người khác, hình thức khoán trắng cho VCPMC vẫn được lựa chọn theo quan điểm có một đầu mối lo hết việc “bếp núc” để yên tâm sáng tác. Trách nhiệm và gánh nặng thu tác quyền ở những nơi khó đòi như quán karaoke, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê nhạc… vẫn là một lợi thế cạnh tranh của trung tâm.
Với RIAV, bà Hạnh nhấn mạnh việc không trích phần trăm từ phí tác quyền của nhạc sĩ như tại VCPMC (5% của 500.000đ đối với sản xuất băng đĩa).
Mọi hoạt động cạnh tranh đều sẽ có tác động tích cực đến thị trường. Thông qua việc các nhạc sĩ được nhận số tiền nhiều hơn cho mỗi tác phẩm, thuận tiện hơn trong việc nhận thù lao hoặc không phải vất vả tự bảo vệ quyền lợi, họ sẽ có thêm động lực sáng tác, cung cấp cho xã hội nhiều món ăn tinh thần bổ ích.
Song cũng cần lưu ý đến bối cảnh thị trường khi còn nhiều nơi chưa tự giác thực thi nghĩa vụ thanh toán tác quyền, sự đối đầu giữa các đơn vị có thể tạo ra kẽ hở để những nhà kinh doanh tác phẩm né tránh trách nhiệm. Dặm trường gian nan của VCPMC đi đòi quyền lợi cho tác giả trước sự chây lì của nhiều người sử dụng trong các năm qua cho thấy để chiến thắng trong cuộc chiến bảo vệ bản quyền, rất cần các bên liên quan đoàn kết và hợp tác.
PHẠM THÀNH NHÂN (Theo TTO)
Bình luận (0)