Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Tránh rủi ro cho lao động nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, nhấn mạnh như trên và cho biết trong giai đoạn thí điểm 2009-2010 phấn đấu đưa được 10.000 người nghèo đi xuất khẩu lao động

 

. Phóng viên: Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ) góp phần giảm nghèo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 4-2009. Thưa ông, đến nay việc triển khai đề án như thế nào?

 – Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Trước mắt, có 3 địa phương được chọn làm thí điểm là Thanh Hóa, Yên Bái và Quảng Ngãi. Tại các tỉnh này, công việc vận động, tuyển chọn và đào tạo lao động đang được gấp rút triển khai. Ngoài 3 doanh nghiệp (DN) được chọn tham gia ở Thanh Hóa, Yên Bái gồm: Sona, Vinaconexmec, Cavico; vừa có thêm 3 DN khác được giới thiệu là Công ty Châu Hưng, Sovilaco và Aic. Đây là những DN có hợp đồng cung ứng lao động tốt, phù hợp với lao động nghèo. 
. Vì sao đề án không triển khai đồng loạt ở các tỉnh, thành mà chỉ làm ở một vài địa phương?

– Đề án là một chương trình lớn cấp quốc gia, triển khai theo từng giai đoạn. Phải làm chắc chắn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm rồi mới mở rộng. Việc thí điểm ở 3 địa phương nói trên xuất phát từ thực tiễn, tình hình về giải quyết việc làm của các huyện nghèo.
Thanh Hóa là tỉnh có số lượng huyện nghèo nhiều nhất với 7 huyện; tiếp theo là Quảng Ngãi với 6 huyện; Yên Bái có 2 huyện nghèo. Đặc biệt, số người nghèo đi XKLĐ ở các địa phương này những năm qua rất thấp; riêng Yên Bái, từ năm 2008 đến nay không có lao động nào đi XKLĐ. Cũng xin nói rõ là các huyện nghèo ở ba tỉnh này có tỉ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 85% đến 92% và tỉ lệ hộ nghèo cũng tương đối cao so với các địa phương còn lại.
. Đến nay chỉ có vài DN được lựa chọn thực hiện đề án, cục dựa trên tiêu chí nào để lựa chọn?

– Các DN phải chứng minh đơn hàng được thẩm định kỹ càng, bảo đảm việc làm đầy đủ, ít rủi ro, thu nhập của người lao động ở mức trung bình khá trở lên so với mặt bằng chung của thị trường tiếp nhận lao động… Bản thân DN phải có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong quản lý, bảo vệ quyền lợi người lao động ở nước ngoài và chưa để xảy ra vi phạm nào trong thời gian một năm trước khi được chọn. Các DN được chọn thí điểm đã đáp ứng được các điều kiện trên.


Người lao động đang làm thủ tục nhập cảnh vào Hàn Quốc làm việc. Ảnh: D.QUỐC

Tôi khẳng định việc lựa chọn DN là công khai, minh bạch, căn cứ theo hợp đồng đăng ký. Đến nay, tất cả 151 DN có chức năng XKLĐ đã được chúng tôi gửi công văn, hướng dẫn rõ việc tham gia đề án. Tới đây, chắc chắn sẽ có thêm nhiều DN tham gia.
. Có nhiều ý kiến băn khoăn về hiệu quả của đề án khi cho rằng với trình độ văn hóa, chuyên môn, ngoại ngữ hạn chế, lao động các huyện nghèo khó có cơ hội tham gia vào những thị trường thu nhập cao mà chỉ có thể sang Malaysia hay Trung Đông…

– Đề án rất chú trọng hỗ trợ người lao động học bổ túc văn hóa, học nghề, ngoại ngữ và các điều kiện khác để đáp ứng yêu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Cục sẽ phối hợp với các địa phương và DN tổ chức tuyển chọn, đào tạo văn hóa, tay nghề và ngoại ngữ cho người lao động để bảo đảm họ có thể tham gia vào tất cả các thị trường theo nguyện vọng,  kể cả thị trường có thu nhập cao. 
Xin nói thêm là khi triển khai thí điểm, Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB-XH dành khoảng 160 chỉ tiêu đào tạo tiếng Hàn cho lao động nghèo dự tuyển sang Hàn Quốc theo chương trình EPS. Ngoài ra, cục cũng sẽ dành một số chỉ tiêu  cho người lao động các huyện nghèo tham gia vào chương trình tu nghiệp sinh ở Nhật Bản.

DUY QUỐC (nld)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)