Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tránh rủi ro khi đi du lịch

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa hè đi du lịch là tìm lại những phút giây thư giãn, vui vẻ bổ ích sau những tháng ngày học tập và làm việc căng thẳng. Thế nhưng cũng có chuyến du lịch để lại cho du khách những nỗi sợ hãi không đáng có vì do tai nạn gây ra.

Cần cân nhắc, thận trọng khi tham gia vào những tour du lịch mạo hiểm

Tai nạn từ ngoài ập tới

Bất kỳ một tour du lịch nào, an toàn cho tính mạng du khách luôn là yêu cầu và đòi hỏi đầu tiên. Mặc dù ngoài ý muốn nhưng tai nạn trong quá trình đi du lịch nếu phòng tránh thì sẽ hạn chế được ở mức thấp nhất.

Điển hình là đầu năm 2017 một vụ tai nạn giao thông đã xảy ra trên đoạn đường dốc thuộc đèo Thung Khe, H.Mai Châu, tỉnh Hòa Bình khi đoàn xe chở gần 50 HS đi du lịch Tây Bắc trên quốc lộ 6. Mặc dù bị va chạm mạnh làm người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong, toàn bộ thầy trò Trường THPT Lômônôxôp (Hà Nội) dù không bị thương vong nhưng lại được một phen hú vía.

Tai nạn du lịch cũng không chừa phương tiện giao thông đường không và đường thủy. Năm 2016 nổi lên một số vụ tai nạn tàu bè du lịch nghiêm trọng gây thiệt hại về tài sản và tính mạng con người mà nghiêm trọng nhất là vụ cháy tàu du lịch vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), sập nhà hàng nổi vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận), chìm tàu du lịch sông Hàn (Đà Nẵng). Một số tai nạn khác có thể xảy ra trong quá trình đi du lịch như: gãy tay chân, chết đuối, đột tử cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng du khách.

Tai nạn do du khách gây ra

Không chỉ lý do khách quan ngoài ý muốn, một số tai nạn du lịch lại do chính du khách gây ra. Đó là 3 du khách nước ngoài đã tử vong do đu dây “chui” ở thác Datanla (Lâm Đồng) với hình thức du lịch mạo hiểm. Nắm bắt được nhu cầu của du khách nhiều công ty du lịch lữ hành đã tìm cách khai thác các tour du lịch mạo hiểm. Đây là loại du lịch băng qua hiểm trở như leo núi, vượt thác, xuyên rừng, lượn dù bằng sức khỏe, ý chí, sự thông minh. Ngoài mang yếu tố khám phá, trải nghiệm loại du lịch này còn tìm những cảm giác mạnh, mới lạ. Độ nguy hiểm của loại hình này tỷ lệ thuận với cảm giác của người tham gia. Điều đó có nghĩa là càng tăng sự hiểm trở, càng khó khăn thì cảm giác càng mới lạ và càng gây thích thú với người tham gia. Ở đây, độ nguy hiểm cũng tỷ lệ thuận với tai nạn có thể xảy ra đối với du lịch mạo hiểm vì xác suất nguy hiểm và rủi ro cao hơn. Đối với Việt Nam, du lịch mạo hiểm mới được du nhập trong thời gian gần đây trong lúc điều kiện cơ sở vật chất chưa được đảm bảo thì độ thiếu an toàn lại càng cao. Hiện nay nhiều điểm du lịch đã có thêm các hình thức giải trí có tính mạo hiểm như đi cáp treo, tàu siêu tốc, đu dây kiểu Tarzan rất được các bạn trẻ ưa thích nhưng cũng đồng nghĩa với nhiều rủi ro hơn. Do không có đủ sức khỏe và tinh thần, một số du khách đã hoảng loạn và ngất xỉu sau khi tham gia các trò chơi mới lạ này. Điều đáng nói hơn là một số tour du lịch mạo hiểm lại tổ chức dưới hình thức “chui” chưa được cấp phép nên tỷ lệ rủi ro càng cao. Thế nhưng do tò mò và muốn tìm cảm giác lạ nên nhiều du khách hiếu kỳ đã chấp nhận tất cả và cuối cùng gánh chịu hậu quả đau lòng. Ông Võ Đức Trung, Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Mạo Hiểm Việt tại Đà Lạt chia sẻ, trong nguyên tắc du lịch mạo hiểm, tính chuyên nghiệp và an toàn phải được đưa lên đầu tiên. Tính chuyên nghiệp càng cao, độ rủi ro càng thấp. Mỗi loại hình, mỗi tuyến phải có biện pháp đảm bảo an toàn, từ nhân sự được đào tạo, huấn luyện bài bản đến trang thiết bị chuyên dụng phải được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng. Thế nhưng thực tế không phải đơn vị và cá nhân nào cũng “nghe theo”.

Vì thế theo ông Trung, khi đi du lịch du khách cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết như: đăng ký du lịch với những công ty uy tín, hợp đồng bảo hiểm du lịch rõ ràng. Tham quan theo sự hướng dẫn của du khách, không tổ chức du lịch riêng lẻ, trái phép nhất là du lịch mạo hiểm. Chuẩn bị một số dụng cụ cá nhân và dụng cụ y tế cần thiết để sơ cứu kịp thời như: la bàn, lều trại, bông băng, thực phẩm, thuốc uống tránh cảm mạo, trúng gió, đau bụng bất thường.

Du lịch sông nước, trước khi xuống tắm cần khởi động tránh chuột rút, hạn chế ăn các loại đặc sản lạ bày bán hè phố bãi biển không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. “Đối với các cháu nhỏ lại càng cẩn thận hơn, tránh mua thức ăn không rõ nguồn gốc. Tốt nhất là chế biến sẵn hoặc mua từ nhà mang đi. Thực phẩm lạ khu du lịch muốn thưởng thức cần phải thử trước, không nên ăn quá nhiều cùng một lúc dễ xảy ra ngộ độc nhất là đối với trẻ nhỏ” – BS Phạm Ngọc Thạch (Chuyên khoa Nhi – BV Nhi đồng 2 TP.HCM) khuyên.

Bài, ảnh: Quang Phan

Bình luận (0)