Những ngày vừa qua, truyền thông xôn xao về vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức bán hàng đa cấp của Công ty CP Liên kết SX-TM Việt Nam (Công ty Liên kết Việt) với số tiền lên đến 1.900 tỷ đồng và gần 60.000 người tham gia trong mạng lưới bán hàng của công ty này. Vậy bán hàng đa cấp là gì và tại sao nhiều người dễ dàng bị lừa đảo đến vậy?
Sơ đồ mạng lưới bán hàng đa cấp. Ảnh: I.T |
Hiểu đúng về bán hàng đa cấp
Trên thực tế, “Bán hàng đa cấp” không hề xấu, nó còn được thế giới công nhận là loại hình kinh doanh có hiệu quả cao. Thuật ngữ “Bán hàng đa cấp” xuất phát từ cụm từ Multi Level Marketing (viết tắt là MLM). Ở Việt Nam, ngoài thuật ngữ “Bán hàng đa cấp”, người ta còn hay xài những cụm từ tương tự như: Kinh doanh đa cấp, kinh doanh theo mạng, tiếp thị mạng lưới… MLM là một phương thức bán hàng được các công ty sử dụng để tiết kiệm tối đa chi phí. Ở phương thức này, hàng hóa được phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng mà không thông qua các cửa hàng bán lẻ hay đại lý trung gian. Người tiêu dùng đầu tiên sau khi sử dụng thấy được sẽ giới thiệu hàng hóa đến những người xung quanh mình, người thứ hai sẽ giới thiệu cho người thứ ba, người thứ tư… Cứ như vậy, mạng lưới bán hàng sẽ được tạo dựng thành nhiều cấp độ (multi-level) theo hình tháp như sau:
7 cách nhận biết một mạng lưới bán hàng “đa cấp dỏm” 1. Người giới thiệu mạng lưới luôn là một người trau chuốt ra vẻ như một doanh nhân thành đạt, và luôn đề cập đến món tiền thu nhập kếch xù “sẽ có” khi gia nhập mạng lưới giới thiệu với bạn. 2. Họ luôn khẳng định những người được chọn vào mạng lưới đều rất giỏi giang, còn nếu chưa giỏi thì sau một thời gian được “khai phá” bản thân sẽ nhanh chóng tiến bộ. 3. Yêu cầu bạn phải trả tiền/ đặt cọc – ký quỹ/ mua một lượng hàng hóa nhất định để tham gia mạng lưới. 4. Công ty sẽ không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định (bạn mà quyết định mua thì sẽ ôm cục hàng đó cho tới khi kiếm được người nào đó lừa bán lại cho họ). 5. Người tham gia mạng lưới không phải hưởng lợi ích từ việc bán sản phẩm mà là từ việc lôi kéo người khác tham gia vào mạng lưới. Lợi nhuận không phát sinh từ hoạt động bán hàng mà là từ tuyển dụng người tham gia. 6. Nếu bạn không có tiền, người giới thiệu sẽ hướng dẫn bạn cách vay tiền để mua sản phẩm hoặc vay tiền để đóng phí tham gia mạng lưới. 7. Người ta thuyết phục bạn mua sản phẩm kém chất lượng người ta đang có để thu hồi vốn người ta đã dại dột bỏ vào công ty. |
Với MLM, người tiêu dùng đóng vai trò vừa là người bán hàng, người cung ứng, vừa là người quảng cáo sản phẩm… dựa trên mối quan hệ cá nhân của mình và phương pháp chính là marketing truyền miệng. Điều này giúp cho các công ty sản xuất tiết kiệm được rất nhiều chi phí từ chi phí phân phối, chi phí nhân viên đến chi phí quảng cáo… Nhà sản xuất sẽ dùng một phần số tiền tiết kiệm được này chia hoa hồng cho các cấp độ trong mạng lưới phân phối của người mua hàng, phần còn lại để đầu tư cải thiện sản phẩm.
MLM đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới và xuất phát từ Mỹ, gắn liền với tên tuổi của nhà hóa học người Mỹ Karl Renborg, cha đẻ của sản phẩm Nutrilite Products (cũng là tên công ty), người đã dùng hệ thống MLM đầu tiên và đem lại doanh thu tuyệt vời cho công ty. Sau đó, 2 cộng tác viên của Nutrilite Products là Rich De Vos và Jay Van Andel nhận thấy sức mạnh to lớn của MLM và đã sáng lập ra công ty riêng của mình mang tên American Way Corporation, viết tắt là AMWAY.
Đến nay MLM đã có mặt ở hơn 170 quốc gia và các nước này đều có pháp luật điều chỉnh hoạt động của MLM. Đa phần sản phẩm được mạng lưới MLM tiêu thụ là hàng tiêu dùng (nhiều nhất là thực phẩm chức năng), vì các yếu tố thị trường tiêu thụ đông, tốc độ tiêu thụ nhanh và không cần nhiều kiến thức để có thể am hiểu sản phẩm trong khi bán hàng. Và đặc biệt, các sản phẩm này phải đảm bảo được tính độc quyền, nghĩa là chỉ được bán qua các nhà phân phối của công ty chứ không được bán tràn lan trên thị trường.
Ở các công ty sử dụng mạng lưới MLM uy tín, người ta rất chú trọng đến chất lượng và giá thành sản phẩm, điển hình là sản phẩm của các công ty Melaleuca, USANA, Nuskin… Nếu sản phẩm không tốt hoặc giá cả không hợp lý, sản phẩm sẽ bị tẩy chay ngay. Người bán hàng đầu tiên phải là người dùng sản phẩm và xác định đó là sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý mới bán cho người tiếp theo, và người thứ hai, thứ ba…, thứ n cũng vậy, họ chỉ hưởng lợi trên số tiền phần trăm hoa hồng mà nhà sản xuất chi trả theo số lượng hàng hóa họ bán được. Nhà sản xuất không bao giờ ép họ mua một lượng hàng hóa nào cũng không bắt họ phải đặt cọc một lượng tiền nhất định nào cả. Khả năng bán được hàng bao nhiêu thì họ sẽ mua hàng từ nhà sản xuất và nhận được hoa hồng bấy nhiêu. Ở đây, người nhận được hoa hồng nhiều nhất chính là người bán được hoặc là người tiêu thụ hàng nhiều nhất.
Và “biến tướng” thành lừa đảo
Thế nhưng, khi về Việt Nam, MLM đã bị biến thể, người ta đã dùng nó để dụ dỗ và lôi kéo những người thiếu kinh nghiệm và cả tin (đa số những người bị lừa là sinh viên, nội trợ, những người có việc làm bấp bênh…) để vào một mạng lưới kinh doanh không chân chính. Thay vì tìm kiếm khách hàng thực sự sử dụng sản phẩm thì họ lại chú tâm đi kiếm “người tham gia” (hay còn gọi là “chân rết”), ép những “người tham gia” phải trả một khoản tiền gọi là phí tham gia, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng nhất định hàng hóa của công ty với giá cao hơn nhiều so với giá thật để được quyền tham gia mạng lưới MLM. Đây là nguồn thu nhập chính của những công ty này, họ dùng tiền này chia tỷ lệ phần trăm số tiền nhờ lôi kéo người tham gia theo các cấp khác nhau. Cấp càng cao tiền chia càng nhiều. Người bị mất tiền nếu muốn có tiền lại từ công ty thì phải lôi kéo nhiều người khác tham gia, cứ thế tạo thành một mạng lưới… lừa đảo. Và mô hình hình tháp trên biến thành “hình tháp ảo”.
Để không sập bẫy “đa cấp dỏm” 1. Nếu lỡ bị một người thân/ người bạn nào đó đang lôi kéo mình vào con đường đa cấp không chân chính, nếu mình chấp nhận cuộc hẹn gặp đầu tiên với họ, hãy yêu cầu họ giới thiệu về công ty (trang web, trụ sở, điện thoại…), về sản phẩm họ kinh doanh và yêu cầu họ cho mình có thời gian để tìm hiểu. 2. Hỏi về thông tin tuyển dụng của công ty. Công ty MLM lừa đảo sẽ không bao giờ ghi thông báo tuyển dụng trên thông tin đại chúng cả. 3. Hỏi về thu nhập của họ. Hỏi họ một tháng bán được bao nhiêu sản phẩm, bán cho ai, thu được trên sản phẩm là bao nhiêu. Với câu hỏi này, đảm bảo họ sẽ lúng túng ngay vì thực tế họ có kinh doanh sản phẩm đâu, thu nhập chính của họ là từ những “chân rết” họ kiếm được, tức là bạn đấy. 4. Hỏi về cách kiếm thu nhập của mình khi tham gia mạng lưới. Với những người lừa đảo, họ sẽ cho bạn biết ngay thu nhập của bạn đến từ việc bạn lôi kéo người khác vào mạng lưới, chứ không phải là bạn bán sản phẩm mà có được. 5. Khi được yêu cầu để ký quỹ mua sản phẩm, bạn hãy hỏi về tác dụng phụ hoặc điểm yếu của các sản phẩm, người giới thiệu sẽ trả lời rất qua loa vì họ không nắm được những kiến thức đó, tuy nhiên họ sẽ hết sức tâng bốc nó, đề cao tính ưu việt của nó vì đó là cái họ được đào tạo để đi lừa thiên hạ. 6. Nếu được mời đi hội thảo, bạn cũng có thể đi (nếu sợ mất lòng người mời), nhưng hãy để tiền ở nhà. Đến đó, người ta sẽ chèo kéo bạn mua sản phẩm, hãy từ chối vì không mang theo tiền. 7. Cuối cùng, hãy phân tích cho bạn của bạn, người lỡ sa chân vào con đường đa cấp không chân chính, rằng lừa đảo là rất xấu và kết thúc của họ luôn không có hậu. |
Chiêu thức của các công ty MLM Việt Nam là tuyên truyền việc làm giàu nhanh chóng, vẽ ra một viễn cảnh tươi đẹp trong một thời gian rất ngắn cho những “người tham gia”. Họ thuyết phục người tham gia bằng những buổi hội thảo rất đông người, ép “người tham gia” phải rút hầu bao nếu muốn tham gia vào mạng lưới, và một khi tiền đã ra khỏi túi thì không bao giờ quay trở về được nữa. Ở những mạng lưới lừa đảo này, thay vì giới thiệu sản phẩm, công dụng và lợi ích mà sản phẩm mang lại, thì họ lại hoàn toàn nói đến sự làm giàu nhanh chóng nhờ mạng lưới bán hàng của họ của các thành viên. Sản phẩm của những công ty này thường không có chất lượng và đắt hơn rất nhiều so với giá trị thực của nó.
Ngô Thị Thanh Tiên
Bình luận (0)