Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tránh “thay cửa lớn bằng nhiều cửa nhỏ”

Tạp Chí Giáo Dục

Sau nhiều năm thi “3 chung”, đến nay Bộ GD-ĐT chính thức bỏ điểm sàn và thay vào đó là những tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với yêu cầu tuyển sinh của các trường. Phía các trường ĐH cho rằng những tiêu chí này cần được công bố sớm để tránh cập rập.
TS. Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) đánh giá, điểm sàn đến nay cơ bản đã hoàn thành “sứ mệnh” của mình và tới lúc chấm dứt. Thay vào đó, sẽ hợp lý hơn nếu bộ chú trọng kiểm soát đầu ra và quá trình đào tạo. Bởi với giáo dục ĐH, việc đảm bảo chất lượng phụ thuộc vào cả quá trình đào tạo sau này chứ không chỉ mỗi chất lượng đầu vào. TS. Dũng đơn cử, ngay cả những trường vốn có đầu vào cao như khối y dược hằng năm vẫn có số SV không theo nổi, bị “đào thải”.
Đồng tình với việc bộ không can thiệp vào điểm trúng tuyển nhưng ThS. Phạm Thái Sơn (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cho rằng, bỏ điểm sàn không đồng nghĩa bỏ tiêu chuẩn xét tuyển đầu vào. Thay vào đó, theo ThS. Sơn, những tiêu chuẩn này cần được các trường công bố ngay từ đầu. Tránh trường hợp khi có kết quả thi “3 chung”, nhắm không tuyển đủ số lượng, các trường hạ điểm nhận thí sinh thoải mái. Ông Sơn còn nhìn nhận, nếu tiêu chí xét tuyển đầu vào các trường ĐH quá thấp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tuyển sinh các trường CĐ, TCCN, trường nghề. Do vậy, trường tự xác định điểm trúng tuyển cần căn đúng thực lực.
ThS. Sơn đặt vấn đề, bộ nên giao các trường tự xác định mức sàn thông qua năng lực đào tạo. Đồng thời bộ chỉ cần kiểm duyệt lại mức sàn các trường đưa ra có phù hợp hay không. Đặc biệt, cần chú trọng khống chế chỉ tiêu đào tạo cho phù hợp, đúng năng lực từng trường. Còn nếu bộ vẫn đứng ra quy định các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào thì chỉ nên ở mức căn bản, không khéo sẽ dễ dẫn đến việc thay vì điểm sàn lại chuyển thành một “sàn” khác. TS. Nguyễn Tiến Dũng cũng đồng quan điểm khi cho rằng, xây dựng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào cần tính toán phù hợp, nếu áp đặt quá thì chẳng khác việc chỉ “thay cửa lớn bằng nhiều cửa nhỏ”.
Trường TC lo lắng
Dù bộ khẳng định sẽ có các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào thay cho điểm sàn nhưng hiện nhiều trường TC vẫn không thấy an tâm, bởi họ cho rằng, chỉ cần các tiêu chí thay thế “dễ thở” một chút thì các trường TC sẽ cực kỳ “khó nhọc”. ThS. Đặng Văn Sáng (Hiệu trưởng Trường TC Ánh Sáng) lý giải, vốn dĩ người học lâu nay luôn có tâm lý chuộng ĐH, ít mặn mà CĐ, TC. Quy chế liên thông mới áp dụng cũng đã vô tình làm tăng thêm mối e ngại ở người học. Đến nay, việc bỏ sàn “3 chung”, biến cơ hội vào ĐH trở nên dễ dàng thì bậc đào tạo thấp hơn sẽ không còn ai chịu học.
Đại diện một trường TC khác tại TP.HCM cũng bày tỏ lo lắng, nếu không còn bị “ràng” bởi điểm sàn thì các trường rất dễ lấy điểm thấp, khi đó bậc TC sẽ bị người học từ chối. Chưa kể, còn có thể xảy ra viễn cảnh 5-7 năm sau, thông báo tuyển dụng may công nghiệp hay các ngành đại loại thì yêu cầu tối thiểu cũng đã tốt nghiệp ĐH.
Mê Tâm 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)