Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tránh thu học phí kiểu “cào bằng”

Tạp Chí Giáo Dục

Vấn đề tăng học phí, tăng cường tính tự chủ cho các trường ĐH lại được các đại biểu tham dự tọa đàm “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục” do Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Trường ĐH Mở TP.HCM tổ chức sáng 18-3 đề cập như một trong những hướng cải tiến chất lượng giáo dục ĐH.
Nhiều đơn vị giáo dục ĐH cho rằng, cách làm của chúng ta thời gian qua đã dẫn đến tình trạng người học than phiền việc đóng học phí cao, Nhà nước lại cho là đầu tư nhưng không thấy hiệu quả, phía trường lại kêu chi phí quá thấp không đủ chi cho hoạt động đào tạo. Theo các trường, mức thu học phí như hiện nay không còn phù hợp với tình hình mới, khiến các trường khó phát triển. Bà Phạm Thị Ly (ĐH Quốc gia TP.HCM) phân tích, chính sách học phí bất hợp lý hiện nay tạo ra sự bất công khi mà 35% nguồn tài trợ từ ngân sách Nhà nước chảy vào lớp con em của 20% dân cư giàu nhất nhưng chỉ có 15% chảy vào con em dân cư nghèo. GS. Trần Hồng Quân (nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập) cũng nêu nghịch lý, lẽ ra quyền lợi của SV khi theo học ở trường công và tư là như nhau nhưng thực tế hiện nay thì ngược lại. Trường tư cũng thuộc hệ thống giáo dục chung nhưng lại chưa được đầu tư tương xứng để có điều kiện đảm bảo chất lượng như các trường công. Theo ý kiến các trường, việc cải tiến điều kiện giảng dạy, nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo không thể tránh tăng học phí. Cơ chế thu học phí mới phải tránh cào bằng và phải gắn với các chính sách học bổng, hỗ trợ, cho vay nhằm đảm bảo công bằng về cơ hội cho người học. TS. Nguyễn Trọng Hoài đồng quan điểm, không thể áp dụng khung học phí trung bình cho các trường mà nên căn cứ mức thu nhập bình quân của người dân để thu học phí. Học phí thu quá thấp so với thu nhập bình quân của người dân sẽ đẩy các trường vào thế bí. Nguồn đóng góp khác, từ cộng đồng (doanh nghiệp) theo TS. Hoài phải trên nguyên tắc phi lợi nhuận để tránh tình trạng doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận mà không chịu tái đầu tư.
Thực tế hiện nay, nhiều người học chịu bỏ học phí cao với điều kiện họ phải nhận lại được chất lượng đào tạo tương ứng. Ông Đặng Văn Thanh (giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM) đơn cử, dù con trai của ông được học miễn phí chương trình kỹ sư tài năng tại ĐH Bách khoa TP.HCM, tuy nhiên ông vẫn đi theo lựa chọn là vay vốn để cho con đi du học tại Singapore. Đi làm chỉ trong vòng hai năm sau khi ra trường, con ông đã hoàn trả được toàn bộ 40 ngàn USD vay trước đó. Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, lớp đào tạo chất lượng cao bằng tiếng Anh đã thu hút rất nhiều người học mặc dù học phí bỏ ra không nhỏ. Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM Nguyễn Đông Phong nêu thực tế, hiện nay những người theo học chương trình chất lượng cao, học phí lớn thường đổ vào các trường ĐH quốc tế hoặc ra nước ngoài. Trong khi đó, nếu có cơ chế, các trường trong nước hoàn toàn có khả năng thực hiện điều này.
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM Nguyễn Xuân Hoàn nhận định, chiếc áo cơ chế quản lý giáo dục của chúng ta hiện đã quá chật gây trở ngại cho các trường trong việc hoạt động, phát triển. Việc tự chủ tài chính là mong muốn thực sự của các trường để từ đó, cân đối thu chi, có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới cách trả lương cho giáo viên… nâng cao chất lượng đào tạo. Cơ chế trả lương (theo giờ giảng) cho giáo viên như hiện nay khiến các thầy cô khá vất vả bởi cứ phải vắt sức dạy để đảm bảo thu nhập, không còn thời gian tham gia nghiên cứu khoa học hay những hoạt động khác.
MÊ TÂM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)