Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tranh thủ nắng cho xương

Tạp Chí Giáo Dục

Còi xương ảnh hưởng tới xương, các hệ thống cơ quan trong cơ thể và kéo tụt tầm vóc tương lai. Tranh thủ nắng là biện pháp chống còi xương trẻ em hữu hiệu nhất.

Ảnh: Shutterstock

Bé mũm mĩm vẫn… còi xương

Bệnh còi xương là tình trạng xương mềm, yếu và chậm phát triển ở trẻ em. Bệnh còi xương có thể là hậu quả của bệnh suy dinh dưỡng những cũng có khi nó là một dạng bệnh độc lập. Người ta hay lầm lẫn cho rằng thiếu chất, tức suy dinh dưỡng, thì dẫn đến còi xương. Điều này chưa thật đúng. Vì suy dinh dưỡng có nhiều thể khác nhau, trong đó có thể thấp bé và còi cọc thì có hiện tượng xương chậm phát triển như còi xương. Nhưng còi xương không chỉ bao gồm hai thể bệnh như trên. Nói cách khác, giữa còi xương và suy dinh dưỡng có sự độc lập tương đối, trẻ con có thể còi xương ngay cả khi không có dấu hiệu suy dinh dưỡng, tức là đang mũm mĩm.

Còi xương là nhóm bệnh có liên quan đến sự thiếu hụt can xi, vitamin D và phospho ở trẻ em. Rất thường gặp ở trẻ em từ 6 – 24 tháng tuổi.

Xét về bệnh lý, còi xương trẻ em có 3 thể khác nhau: còi xương do thiếu phospho (còi xương kháng vitamin D); còi xương do thận; còi xương dinh dưỡng (thiếu can xi và/hoặc thiếu vitamin D). Trong đó còi xương loại thiếu vitamin D là dạng hay gặp nhất.

Hệ quả trực diện của còi xương, theo như định nghĩa của nó, làm cho xương trẻ em chậm phát triển, mềm, yếu và biến dạng. Trẻ có biểu hiện thấp bé, xương mềm, chân tay cong, thóp mềm, đầu to, có vòng cườm ở cổ chân tay, cột sống lệch vẹo, xẹp cột sống.

Nhưng đó chưa đủ với còi xương. Còi xương không chỉ ảnh hưởng đến xương mà còn ảnh hưởng chung tới toàn trạng. Trẻ sẽ bị thấp hụt chiều cao. Khả năng thể lực suy giảm do sự thiếu phát triển toàn diện sức cơ. Sự biến dạng xương lồng ngực đã gây ra ngực hình thùng, khó thở, khả năng lấy khí hạn chế và hay bị khí phế thũng lúc trưởng thành. Vì cột sống lệch vẹo nên khả năng hoạt động thể lực bị giảm đáng kể. Khung xương chậu kém phát triển ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của trẻ gái mai sau. Ngoài ra, còi xương còn làm giảm khả năng miễn dịch do thiếu hụt sự tương tác của can xi, kẽm và các yếu tố khác.

Tranh thủ nắng mùa hè

Còi xương, như đã nói ở trên, hay gặp nhất là loại do thiếu vitamin D. Tùy từng mức độ, việc can thiệp điều trị cần hay không. Tuy nhiên, khi còi xương mức độ vừa và nặng thì trẻ rất cần được can thiệp điều trị để sớm phục hồi lại sức vóc trưởng thành. Đó là khi xuất hiện chuỗi hạt sườn, vòng cổ chân, vòng cổ tay, vòng xương đùi do sự phì đại đầu xương gây ra, xương chân xương tay mềm khiến cho ta cảm giác chạm vào mà như không có xương.

Trong tất cả các trường hợp còn lại, dự phòng còi xương là an toàn nhất. Bạn cần tuân thủ tốt các hướng dẫn dưới đây để chống còi xương cho trẻ.

– Nuôi dưỡng trẻ đầy đủ về mặt năng lượng và chất dinh dưỡng. Bạn nên nhớ trẻ trong khoảng 1 tuổi cần chừng 800 – 1.000 Kcal. Bạn cần phải bổ sung thêm thực phẩm giàu can xi, vitamin D và nhỏ một vài giọt dầu ăn khi khuấy bát bột ăn dặm. Các bé nhỏ tuổi cần được bú mẹ đầy đủ. Đến tuổi ăn dặm cần cho trẻ uống thêm sữa ngoài bổ sung.

– Cho trẻ tắm nắng đủ, nhất là nắng chan hòa mùa hè. Bạn nên tắm nắng cho trẻ từ 15 – 30 phút/ngày. Thời gian tắm nắng chỉ nên thực hiện trong khung giờ từ 7 – 9 giờ và từ 17 – 18 giờ hằng ngày. Tắm nắng sớm hơn và muộn hơn thời điểm này đều hết sức bất lợi. Khi tắm nắng bạn cần cho trẻ hở chân, tay và tiếp xúc trực tiếp với nắng (mặc quần thun cộc); nhưng mặt bé thì cần che lại. Khung giờ tắm nắng rất quan trọng, nếu không trẻ có thể ốm, ho, viêm họng, viêm phổi trước khi thu được lợi ích từ tắm nắng tạo ra. Những ngày gió quá to thì việc tắm nắng cần hoãn lại. Bạn cũng có thể đặt trẻ nằm ngay cạnh cửa sổ kính trắng đón nắng nhà bạn.

– Không cho trẻ ăn dặm quá sớm, trước 6 tháng tuổi sẽ không có lợi. Đường ruột của trẻ bị tổn thương dẫn tới giảm khả năng hấp thu can xi và vitamin D có lợi cho xương.

– Tích cực cho trẻ vận động, chạy nhảy để xương khỏe và can xi đi vào xương dễ dàng hơn. Thay vì cho trẻ ngồi xem ti vi liền 2-3 giờ/ngày, bạn hãy khuyến khích trẻ chơi và cùng chơi với trẻ nếu có thể.

– Tích cực điều trị các bệnh lý liên quan cho trẻ, nhất là các bệnh đường ruột và rối loạn hô hấp. Các trẻ biếng ăn nghiêm trọng cần được chăm sóc bằng chế độ dinh dưỡng tăng cường nhằm chống giảm nồng độ vitamin D.

BS Yên Lâm Phúc

(TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)