Rút ngắn thời gian đăng ký, chờ đợi… việc ứng dụng nền tảng công nghệ số qua Sổ sức khỏe điện tử được kỳ vọng là giải pháp đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin COVID-19 toàn dân.
Cấp QR code ngay sau tiêm chủng
Vừa tiêm xong mũi vắc xin COVID-19 đầu tiên, chị T.T. (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) háo hức khi được nhận ngay giấy xác nhận tiêm chủng. Trong khi đó, nhiều người dân đã tiêm chủng cách đây cả tháng vẫn chưa nhận được. Trên góc phải của giấy xác nhận có in kèm QR code mã hóa dữ liệu theo dõi tiêm chủng. Khi quét mã số này trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, toàn bộ thông tin của chị T. đều được hiển thị. Nếu tiêm được một mũi, ứng dụng sẽ hiển thị nền màu vàng, hoàn thành hai mũi tiêm hiển thị màu xanh.
Cuối tuần qua, Việt Nam chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu bao phủ vắc xin cho 75 triệu người dân trong chín tháng, từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022. Với số lượng người tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay cùng tổng số hơn 19.000 điểm tiêm trên cả nước, có rất nhiều vấn đề đặt ra để đảm bảo đạt hiệu quả.
Một trong những giải pháp được Bộ Y tế đưa ra là ứng dụng nền tảng công nghệ trong quản lý tiêm chủng. Sổ sức khỏe điện tử có các thông tin như đăng ký tiêm chủng, nhật ký tiêm chủng, theo dõi sau tiêm… Từ đó hình thành mã số cho mỗi người dân đã tiêm để cấp QR code. Mã QR code chính là căn cứ để đảm bảo “hộ chiếu vắc xin” sau này.
Với “hộ chiếu vắc-xin” trên ứng dụng, chỉ cần quét thông tin có thể biết người đó đã hoàn thành tiêm vắc-xin hay chưa.
Tránh ùn tắc, nguy cơ lây lan dịch
TP. Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên yêu cầu người dân đăng ký tiêm vắc-xin phòng COVID-19 qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Hiện ứng dụng này đã được cung cấp trên các thiết bị sử dụng hai hệ điều hành phổ biến là Android và iOS.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, với ứng dụng này, người dân có công cụ để đăng ký tiêm, tra cứu thông tin liên quan đến việc tiêm chủng cho cá nhân, cũng như lưu giữ kết quả tiêm trên hệ thống ứng dụng. Sau khi đăng ký tiêm, người dân sẽ biết rõ khi nào đến tiêm qua tin nhắn tự động, địa điểm tiêm, không mất thời gian chờ đợi lâu khi đi đến tiêm, không phải khai báo lại thông tin cá nhân.
Đối với cơ sở tiêm, các đơn vị này sẽ biết được toàn bộ công tác tiêm chủng tại điểm tiêm, như thông tin của đối tượng tiêm. Cơ sở tiêm cũng biết chính xác và dễ dàng báo cáo theo ngày đầy đủ thông tin về cán bộ tiêm, người được tiêm, số vắc xin sử dụng, tiến độ tiêm, các vấn đề khác liên quan…
Nền tảng này còn giúp Ban chỉ đạo điều hành chiến dịch tiêm nắm bắt và điều hành công tác tiêm chủng theo thời gian thực đang diễn ra trên toàn quốc như số lượng vắc xin được phân bổ về từng tỉnh, điểm tiêm, quản lý từng loại vắc xin nhập về, địa điểm lưu giữ, bảo quản. Các thông tin về tổng số người được tiêm, số người có phản ứng sau tiêm, số lượng tiêm mũi một, mũi hai… được cập nhật tức thời từ các điểm tiêm, qua đó ban chỉ đạo điều hành kịp thời công tác tiêm chủng trong toàn quốc.
Với ứng dụng này, các khâu thực hiện đều được tính toán để rút ngắn thời gian chờ đợi, tránh tình trạng người dân tập trung quá đông tại điểm tiêm, nguy cơ lây lan dịch.
Hiện nay, ứng dụng quản lý tiêm chủng đã cơ bản hoàn thành và đưa vào triển khai. Bên cạnh đó, ứng dụng này vẫn tiếp tục được hoàn thiện để “đấu nối” thông tin với thẻ căn cước công dân và triển khai “hộ chiếu vắc xin”.
Theo Huyền Anh/PNO
Bình luận (0)