Cà phê không nguyên chất, cà phê được làm từ đậu nành, bắp rang từ lâu đã được các chuyên gia ẩm thực đưa ra lời cảnh báo. Nhưng chưa bao giờ các loại thức uống bằng cà phê đang bị làm giả trên thị trường ồ ạt như hiện nay. Không chỉ làm mất niềm tin người thưởng thức, cà phê dởm còn ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Người dùng cà phê nên tự bảo vệ chính mình (ảnh chụp một quán cà phê trên đường Lữ Gia, Q.10) |
Theo kết luận của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) vào đầu tháng 7-2016 gần 31% mẫu cà phê được khảo sát ngẫu nhiên có lượng caffeine rất thấp. Bất ngờ hơn là có một số mẫu cà phê hoàn toàn không chứa chất caffeine.
Cà phê không có chất caffeine
Đây là kết quả khảo sát 253 mẫu cà phê đen tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, Bình Dương, Sóc Trăng trong đó có cả TP.HCM. Gần đây trên kênh VTV2 có đưa ra một phép thử lý thú về cách đánh giá chất lượng cà phê của một số người từng uống cà phê sành điệu. Sau khi uống thử 3 loại cà phê được pha sẵn, kết quả nhiều người vẫn không phát hiện ra được loại cà phê tạp và cả cà phê dởm. Đáng ngạc nhiên hơn có người còn khen chúng là nguyên chất 100%. Điều này cho thấy không phải ai cũng phát hiện ra được các loại cà phê “bẩn”, cà phê “đội lốt” cà phê dù đã từng thưởng thức thường xuyên trước đó. Chị Thành, một tiểu thương ở chợ Thanh Đa, Q.Bình Thạnh thừa nhận: “Ngày nào tôi cũng uống ít nhất một cà phê đá. Do uống quen nên cũng biết ngon hay dở nhưng để phát hiện thiệt hay dởm cũng không phải là chuyện dễ”. Anh Hòa Thuận – thợ sửa đồng hồ ở chợ Bình Triệu cho hay: “Do uống quán quen nên tôi có thể biết được chất lượng của từng ly cà phê, đôi khi chỉ cần ngửi mùi là biết cà phê ngon hay dở”. Tuy nhiên, theo người đàn ông 40 tuổi này, không phải lúc nào người uống cũng cảm nhận được chất lượng cà phê một cách chính xác bởi nhiều lý do khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chi cục phó Chi cục An toàn thực phẩm TP.HCM cảnh báo, ngay các chất độn cà phê khi bị rang cháy đen không những không có giá trị dinh dưỡng mà còn sinh ra các chất độc hại. Vì thế, người tiêu dùng tránh lạm dụng cà phê nhất là các loại cà phê tạp. Vì lương tâm nghề nghiệp, người kinh doanh không mua các loại cà phê bán trôi nổi trên thị trường không xuất xứ thương hiệu và kém chất lượng. |
Cũng vì kẽ hở của khách hàng mà hiện nay, nhiều tiệm cà phê đã “lập lờ đánh lận con đen” tìm mua các loại cà phê rẻ tiền để kinh doanh với mục đích mang thật nhiều lợi nhuận vào túi tiền của mình. Anh Đạt – giáo viên của một trường trung cấp kể: “Một lần do người bạn rủ ra quán cà phê vỉa hè mới mở trên đường Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp uống cà phê sáng. Mới ngậm ngụm đầu tiên đã thấy hương vị lạ không giống như những ly cà phê uống chỗ khác”. Theo anh Đạt, chắc chắn cà phê ở đây không thể nguyên chất được, thậm chí có được 50% cà phê thật cũng khó. Huy – một sinh viên của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thừa nhận, vào quán uống cà phê chỉ là cái cớ để trò chuyện chứ lúc đó chẳng biết ngon hay dở mà dù có dở thì cũng phải uống cho xong.
Có người lấy ly cà phê làm điểm tâm buổi sáng hay chiều tối nhưng lại có người lại coi cà phê là thức uống chủ đạo trong ngày. Vì thế quan sát trên các con đường, bao nhiêu quán mở ra cũng đều hết ghế. Ngay trên đoạn đường Nguyễn Văn Dung, Q.Gò Vấp ngắn chỉ khoảng hơn 100 mét mà có đến 9 điểm bán cà phê tại vỉa hè, quán cóc. Muốn cạnh tranh thì phải giảm giá, muốn giảm giá mà hệ số lợi nhuận không thay đổi thì phải giảm chất lượng. Cái khó ló cái khôn, đây chính là “hoàn cảnh đưa đẩy” để người kinh doanh tìm cách dối trá.
Độc hại từ ly cà phê dởm
Bà M. một chủ quán cà phê cóc trên đường Phan Văn Trị ở Q.Bình Thạnh cho biết, giá 1kg cà phê loại ngon phải trên 200 ngàn đồng, tuy nhiên các quán cà phê thường chọn loại rẻ nhất với giá 120 ngàn đồng. Cũng có người bỏ mối chỉ với giá 70 đến 80 ngàn đồng và theo bà M. thì không thể có cà phê nguyên chất với mức giá này được. Do mở quán cóc cà phê gần các công trình xây dựng, thay vì mua cà phê xay về pha thì vợ chồng ông D. ở đường 13, Q.Bình Thạnh lại mua cà phê pha sẵn trong chai về bán. Theo ông D., hàng ngày ông vẫn bán mấy chục ly cà phê đá với giá 8.000 đồng cho thợ hồ nhưng có thấy ai chê bai gì đâu?
Chính vì thế khi VINASTAS lấy mẫu được mua ở các quán cà phê cóc, xe đẩy, cà phê sân vườn, căng tin để khảo sát thì đã có 1/3 lượng cà phê có hàm lượng caffeine rất thấp. Điều này chứng tỏ rằng, mỗi ly cà phê chúng ta uống hàng ngày không phải 100% là cà phê nguyên chất. Trong đó có không ít ly cà phê dởm được pha từ đậu nành, bắp cùng với hương liệu và một số hóa chất độc hại khác. Theo cảnh báo của các chuyên gia dinh dưỡng, cà phê là một loại thực phẩm đang âm thầm hủy hoại sức khỏe con người đến mức báo động nếu chúng ta lạm dụng thường xuyên. Ít ai biết rằng, các loại cà phê ướp hóa chất chứa nhiều tạp chất trong đó có một số kim loại nặng độc hại như thủy ngân, chì, asen. Nếu dùng nhiều sẽ bào mòn cơ thể gây suy gan, thận tủy và cả ung thư.
Bài, ảnh: Quang Phan
Bình luận (0)