Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tránh xung đột khi chọn ngành nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Không nên chọn ngành nghề theo quán tính và đừng vội chọn trường, chọn ngành nghề trước mà phải cân nhắc kỹ, cụ thể là xác định bản thân mình muốn cái gì?

Chuyên gia tâm lý Tô Nhi A chia sẻ với học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành về kinh nghiệm chọn nghề. Ảnh: T.Anh

Đó là lời khuyên của các chuyên gia tại chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 tổ chức ở Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Q.6) mới đây. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UFF) và ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH).

Mở đầu chương trình, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp THPT, các em có nhiều lựa chọn phù hợp với năng lực bản thân như học TC, CĐ nghề hoặc ĐH. Hiện nay, tại TP.HCM, hầu hết học sinh đều có ước mơ học tiếp ĐH, vì theo các em, học ĐH sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn. Tuy nhiên, ở trình độ nào, muốn thành công các em phải biết cách tự làm chủ kế hoạch cuộc đời mình và chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ bây giờ, nếu không sẽ không theo kịp và gặp nhiều khó khăn sau này.

TS. Lê Thị Thanh Mai cho biết thêm, hiện nay có 6 nhóm lĩnh vực nghề nghiệp mà học sinh có thể lựa chọn như kỹ thuật công nghệ; khoa học tự nhiên, khoa học sức khỏe, khoa học cơ bản; khoa học xã hội – nhân văn; kinh tế, kinh doanh, quản lý, luật; nghệ thuật; hành chính. “Mỗi nhóm ngành nghề đòi hỏi kiến thức và kỹ năng khác nhau, do đó muốn chọn ngành nghề phù hợp, ngay bây giờ các em phải cố gắng học, nhìn lại điểm số để cải thiện và chọn ngành nghề. Sau đó, các em phải xác định khả năng, tố chất, đam mê với ngành nghề mình chọn”, TS. Lê Thị Thanh Mai nhắn nhủ.

Nghe, nhìn chính mình để sáng suốt chọn nghề

Đây là lời khuyên của các chuyên gia dành cho toàn thể học sinh lớp 12 Trường THPT Bình Phú (Q.6) trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 tổ chức ngày 3-12. Theo ông Nguyễn Quốc Cường (Phó ban Đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM), đây là khoảng thời gian quan trọng để học sinh tập trung học tập hoàn thành chương trình THPT, song song với đó là chọn nghề, chọn ngành học sau khi tốt nghiệp. “Khi lựa chọn ngành nghề, các em phải dựa vào 3 yếu tố, đầu tiên là các em phải thích ngành nghề đó và công việc đó phải phù hợp với sở trường; thứ 2 là trình độ, kiến thức của các em phù hợp học ở bậc học nào; cuối cùng là căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai. Hiện nay có một số ngành nghề dự kiến sẽ đảm bảo nguồn nhân lực trong tương lai mà các em cần lưu ý, như: Kỹ thuật số (liên quan đến nhóm ngành công nghệ thông tin, phân tích dữ liệu, xử lý dữ liệu…); vật lý (các nhóm ngành về điện, điện tử, công nghệ ô tô…); công nghệ sinh học và y học (các nhóm ngành về chăm sóc sức khỏe, bác sĩ, dược sĩ…). Ngoài ra còn có các nhóm ngành về kinh tế, pháp luật, nhân sự…

Trước những thắc mắc liên quan đến việc chọn ngành nghề của nhiều học sinh trong trường, TS. Nguyễn Hữu Long (Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, phân hiệu miền Nam) chia sẻ: “Sau khi tìm hiểu về những sự lựa chọn sau khi tốt nghiệp THPT, các em đã hình thành được một bức tranh khái quát cho mình, về những gì cần phải thực hiện trong thời gian tới. Hiện nay, giữa vô số sự lựa chọn vừa mang lại cho các em nhiều cơ hội, nhưng đồng thời đó cũng là thách thức, làm sao để lựa chọn đúng nhất. Để tránh lựa chọn sai, các em cần học cách lắng nghe ở thầy cô giáo, bạn bè lẫn những người xung quanh… về những mặt được và hạn chế mà mình cần thay đổi; thứ 2 là học cách nhìn nhận chính bản thân mình đối với sở thích, khả năng, năng lực; thứ 3 là ý thức rõ ràng về nghề nghiệp của mình. Ngoài ra, để đáp ứng được yêu cầu của công việc, các em cần rèn luyện cho mình những kỹ năng chuyên môn, các kỹ năng mềm, thái độ, kỹ năng phát hiện các tình huống và xử lý được nó. Đối với thời đại hội nhập, kỹ năng ngoại ngữ và tiếng Anh, tin học cũng không thể thiếu…”.

Nhã Nam

Học sinh Trường THPT Bình Phú bày tỏ băn khoăn còn mơ hồ khi chọn ngành nghề

Giải đáp những băn khoăn của học sinh về việc làm sao chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân? Chuyên gia tâm lý Tô Nhi A cho rằng không nên chọn ngành nghề theo quán tính và đừng vội chọn trường, chọn ngành nghề trước mà hãy xác định bản thân mình muốn cái gì? Nếu bản thân chưa xác định được thì nhờ cha mẹ, thầy cô hoặc bạn bè góp ý. Sau khi biết được điều này, các em cần xác định mình cần làm gì để chạm đến ước mơ. Nhưng một điều quan trọng là ngành nghề mình chọn có phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình hay không. Nếu chúng ta có thể tự trang trải cho việc học để quyết tâm theo đuổi đam mê mà không đè nặng lên đôi vai cha mẹ thì có thể chọn. “Để tránh xung đột với cha mẹ trong việc chọn ngành nghề khi cả hai phía có sự lựa chọn riêng, các em phải chứng minh cho cha mẹ thấy tại sao mình chọn ngành nghề đó? Trong suốt quá trình học, mình học tập như thế nào để chứng minh cho cha mẹ thấy sự trưởng thành của mình, tin tưởng vào khả năng tự lập quyết định tương lai”, chuyên gia Tô Nhi A khuyên.

Trả lời câu hỏi của em Tô Trần Huy Đức (lớp 12A3) về ngành chính trị học, TS. Lê Thị Thanh Mai cho biết: Đối với ngành này, các em sẽ được học chính trị để làm chuyên gia như báo cáo viên về các nghị quyết, chương trình hoạt động của Nhà nước, đàm phán ngoại giao để thực hiện các chính sách, chủ trương liên quan đến chính trị… “Đây là ngành không phải ai cũng học được. Những người có khả năng diễn thuyết, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phải đọc rất nhiều, tiếp thu hệ thống kiến thức nhanh – nếu ai có tố chất đó thì sẽ thành công. Ngành này được đào tạo ở Học viện Chính trị hành chính Quốc gia, hoặc học các ngành liên quan như triết học, lịch sử, Đông phương học…”, TS. Lê Thị Thanh Mai nói.

Chương trình hướng nghiệp đến với học sinh Đồng Tháp và Bình Phước

Từ ngày 3 đến 7-12, chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với ĐHQG TP.HCM tổ chức cùng sự đồng hành của ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM và ĐH Công nghệ TP.HCM đồng loạt diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Bình Phước. Theo đó, ở tỉnh Bình Phước, chương trình có sự phối hợp với Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn, diễn ra tại 14 trường THPT trên địa bàn. Còn tại tỉnh Đồng Tháp, chương trình có sự phối hợp của Sở GD-ĐT, diễn ra ở 14 trường THPT. Dự kiến có hơn 15.000 học sinh tại hai tỉnh này được hướng nghiệp lựa chọn ngành nghề.

Trao đổi với học sinh tỉnh Đồng Tháp, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) cho biết đến thời điểm này vẫn chưa có một phương án chính xác về đề thi cũng như cách xét tốt nghiệp THPT quốc gia được Bộ GD-ĐT đưa ra. Vì vậy, để không bị hụt hẫng trước những thay đổi, TS. Mai khuyên các em học sinh nên học thật tốt chương trình lớp 12 ngay từ bây giờ.

Thông tin về những ngành nghề có xu hướng phát triển trong tương lai với học sinh tỉnh Bình Phước, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết trong xu hướng toàn cầu hóa, đòi hỏi người học làm một nghề phải tích hợp được nhiều ngành và mọi ngành nghề đều phải có sự kết hợp với CNTT. “CNTT được coi là ngành chiến lược của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các ngành nghề khác như cơ khí kết hợp với CNTT thành tự động hóa, hay công nghệ sinh học, kỹ thuật vi sinh, chế biến, sức khỏe… cũng là những nhóm ngành có ưu thế lớn trong thời gian tới”, ông Tuấn nói. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, dù học bất cứ ngành nghề nào cũng cần một ý thức học tập thật nghiêm túc và sự hăng say thực sự để tích lũy những giá trị cho bản thân.

Yến Hoa

Học sinh Trường THPT thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đang nghe các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: Anh Thư

Tương tự, em Trương Hạnh Nguyên (lớp 12A15) hỏi: “Học ngành tâm lý ra trường làm gì?”. Chuyên gia tâm lý Tô Nhi A cho biết đây là ngành nghiên cứu về tâm lý con người, người học cần có sự dấn thân, trải nghiệm chứ kiến thức ở giảng đường là chưa đủ. Tốt nghiệp ngành tâm lý có thể làm chuyên viên tư vấn tâm lý học đường, giảng viên tâm lý… Trước băn khoăn của em Đoàn Thiên Quý (lớp 12A6) về cơ hội việc làm của ngành công nghệ phần mềm, ThS. Lê Dũng (đại diện UEF) khẳng định đây là ngành nằm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và là một trong 3 trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên không lo thất nghiệp.

Kiều Khánh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)