Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2019 do Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ KH-CN, Trung ương Đoàn… tổ chức vừa trao 10 giải nhất, 62 giải nhì, 89 giải ba và 118 giải khuyến khích cho sinh viên.
Nhóm tác giả đề tài đoạt giải nhất của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM “Ứng dụng vi khuẩn lên men lactic xử lý hạt giống đậu phộng” giới thiệu sản phẩm đến khách tham quan
Năm nay, giải thưởng thu hút 419 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên tham gia. Đây là những đề tài nổi trội nhất được lựa chọn từ hàng nghìn đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên ở 85 trường ĐH, học viện trong cả nước; tập trung vào các lĩnh vực khoa học và công nghệ gồm: Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ; y dược; nông nghiệp, khoa học xã hội và nhân văn. Theo Bộ GD-ĐT, nghiên cứu khoa học của sinh viên được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng đào tạo ĐH; góp phần phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và hướng nghiệp. Qua hơn 25 năm tổ chức, giải thưởng này đã thực sự trở thành một sân chơi khoa học lớn và uy tín đối với sinh viên cả nước. Chỉ tính trong giai đoạn 2011-2019, giải thưởng đã có 2.633 đề tài với gần 7.000 sinh viên, 670 lượt các cơ sở giáo dục ĐH tham gia. Các công trình dự thi được đánh giá có tính mới, sáng tạo, có giá trị khoa học và thực tiễn. Chất lượng đề tài của sinh viên ngày càng tốt hơn, trong số đó có những bài báo công bố quốc tế và trong nước, phát triển thành các sản phẩm ứng dụng trong thực tiễn. Nhiều đề tài đã được các em tiếp tục nghiên cứu ở bậc học cao hơn, cũng có nhiều sản phẩm đề tài đã được khởi nghiệp.
Để hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên ngày càng hiệu quả và thiết thực, Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục ĐH có những cơ chế khuyến khích, động viên giảng viên hướng dẫn và sinh viên trong nghiên cứu khoa học. Huy động các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp để tạo môi trường sáng tạo, sân chơi khoa học cho sinh viên; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học gắn với hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường để các em sinh viên sớm tiếp cận với kỹ năng nghiên cứu. Phía Bộ GD-ĐT cũng đã tích cực phối hợp với các bộ, ban ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động khoa học công nghệ trong trường ĐH nói chung và nghiên cứu khoa học sinh viên, giảng viên trẻ nói riêng. Bộ cũng nhìn nhận rằng nhiều nội dung, hoạt động cần phải được cập nhật, thay đổi để phù hợp với bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo và hội nhập quốc tế. Do vậy, thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu, cập nhật các quy định để tạo điều kiện tối đa, khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học.
Được biết, các đề tài đoạt giải nhất, gồm: “Giải pháp tối ưu công suất phát thời gian thực cho hệ thống D2D” của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo robot hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa” (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM); “Ứng dụng vi khuẩn lên men lactic xử lý hạt giống đậu phộng” (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM); “Mối quan hệ giữa trí tuệ cảm xúc và thành tích học tập của sinh viên” (Trường ĐH Mở TP.HCM)…
M.Tâm
Bình luận (0)