Đêm Gala trao giải cuộc thi piano quốc tế “SIU Piano Competition 2024” đã khép lại trong không khí hào hứng và tràn đầy cảm xúc. 107 tài năng trẻ đến từ Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đã cùng nhau tạo nên một đêm nhạc khó quên. Hơn 1,1 tỷ đồng đã được trao cho các thí sinh xuất sắc.
Đặc biệt, đêm chung kết còn có sự tham gia của các thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi cùng dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện TP.HCM đã mang đến cảm xúc thăng hoa cho những người tham dự.
Sân chơi do Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU) tổ chức, khởi động từ tháng 3-2024 với gần 400 hồ sơ dự thi của thí sinh đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia cuộc thi năm nay chỉ mới 5 tuổi.
Sau vòng sơ loại, có 107 thí sinh trong nước và quốc tế như Singapore, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nigeria… đã tham gia vòng bán kết và chung kết tại SIU từ ngày 27 đến 31-7.
Ban tổ chức cho biết, cuộc thi piano quốc tế SIU Piano Competition 2024 được chia thành 2 nhóm. Nhóm chuyên nghiệp (Professional Group) gồm 3 bảng: Bảng A (9 – 13 tuổi), Bảng B (14 – 17 tuổi), Bảng C (từ 18 tuổi trở lên); nhóm không chuyên (Non-Professional Group) dành cho các thí sinh không học chuyên ngành Piano chính quy ở các Nhạc viện, Học viện âm nhạc, trường đại học, cao đẳng hoặc trung cấp có đào tạo chuyên ngành Piano, gồm 3 bảng: Bảng A (8 tuổi trở xuống), Bảng B (9 – 14 tuổi), Bảng C (từ 15 tuổi trở lên).
Trong đêm Gala, ban tổ chức đã trao các giải thưởng với tổng giá trị lên đến hơn 1,1 tỷ đồng ở 2 nhóm chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Cơ cấu giải thưởng ở nhóm chuyên nghiệp (3 bảng A, B, C) lần lượt là 150 triệu (giải vàng), 100 triệu (giải bạc) và 70 triệu (giải đồng). Ở nhóm không chuyên, giải thưởng lần lượt là 30 – 20 – 10 triệu đồng.
Dù từng góp mặt làm giám khảo trong nhiều cuộc thi uy tín khác nhau, song ThS. Ian Goh Bin Wei, Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên Piano Thế giới (WPTA) tại Malaysia kiêm Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên Piano Malaysia (MPTA), thành viên Hội đồng giám khảo đánh giá, SIU Piano Competition là một trong những sân chơi thử thách và chuyên nghiệp nhất.
Tại cuộc thi này, các thí sinh không chỉ có cơ hội thử sức với nhạc cụ chất lượng mà còn được biểu diễn với dàn nhạc giao hưởng. Đó là giấc mơ của mọi nghệ sĩ dương cầm. Ngoài ra, đây là năm đầu tiên cuộc thi mở rộng cho nhóm thí sinh không chuyên, đây cũng là điểm được các nhà chuyên môn đánh giá cao.
Liao Hsin-Chiao, thành viên Dự án Âm nhạc cổ điển Schubert in a Mug (SiaM), thành viên Ban giám khảo nhóm không chuyên cho rằng, đây là một ý tưởng tạo cơ hội cho cả thí sinh chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp dự thi, để các bạn trẻ đều được hưởng được cơ hội như nhau.
“Đây là một sân chơi nghệ thuật được tổ chức chuyên nghiệp dành cho cả những em chưa chắc chắn muốn theo đuổi âm nhạc như một nghề nghiệp. Các em vẫn có cơ hội đứng trên sân khấu, chơi một nhạc cụ và biểu diễn cho khán giả như nhau”, TS. Liao Hsin-Chiao chia sẻ.
Trong khi đó, NSƯT Hoàng Ngọc Long, Quyền Giám đốc Nhạc viện TP.HCM nhận định, SIU Piano Competition nói riêng cũng như các cuộc thi âm nhạc nói chung đã có tầm ảnh hưởng quan trọng trong việc phát triển nền nghệ thuật nước nhà.
“Qua cuộc thi, các tài năng trẻ có sân chơi lành mạnh trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Cuộc thi tìm kiếm được các tài năng, từ đó định hướng cho các em để phát triển tài năng và sự nghiệp”, ông Long nói.
SIU Piano Competition do Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) và Trường Quốc tế Á Châu (Asian School) thuộc Tập đoàn Giáo dục Quốc Tế Á Châu (GAIE) phối hợp tổ chức định kỳ 2 năm một lần.
SIU Piano Competition đã góp phần mang âm nhạc cổ điển đến gần hơn với các bạn trẻ, từ đó tìm kiếm ươm mầm, bồi dưỡng tài năng.
Đây còn là dịp kết nối tài năng piano trẻ của Việt Nam với thế giới, giúp các thí sinh có cơ hội trình diễn trước các nhà tìm kiếm tài năng và giới truyền thông, cộng đồng chuyên và không chuyên yêu thích piano, mở rộng cánh cửa sự nghiệp của các bạn thí sinh.
Yến Hoa
Bình luận (0)