Ngày 17/12, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã tổ chức trao giải cho 15 ca khúc xuất sắc đoạt giải trong “Cuộc vận động sáng tác ca khúc về ngành giáo dục”. Cuộc vận động sáng tác ca khúc này do Bộ Giáo dục – Đào tạo phối hợp với Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, hội Nhạc sĩ Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và NXB Giáo dục tổ chức nhân kỷ niệm 25 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2007).
Cuộc vận động sáng tác đã thu hút được đông đảo giới nhạc sĩ, giáo viên, sinh viên, học sinh có khả năng sáng tác. Tính đến ngày 4/6/2008, đã có 57 tỉnh, thành phố (trừ 6 tỉnh là: Bắc Cạn, Cao Bằng, Đắc Nông, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai không có tác phẩm tham gia) đã có tác phẩm tham gia cuộc vận động, với 945 ca khúc (trong đó có 804 ca khúc hợp lệ). Thành phố Hà Nội có số lượng tác phẩm tham gia đông nhất: 250 bài hát.
Hầu hết các ca khúc đều có tình cảm trong sáng, những suy tư, những hoài niệm tốt đẹp về thầy cô giáo và nhà trường. Những bài hát nói lên hy vọng vào tương lai đất nước và những hứa hẹn tuổi sinh viên, học sinh, quyết tâm vươn lên trong học tập để góp phần xây dựng đất nước.
Ban Giám khảo đã chọn từ 804 tác phẩm vòng sơ khảo để lấy 166 tác phẩm vào vòng chung khảo và chung kết. Trên cơ sở đó, ban Giám khảo đã chọn ra được 1 giải Nhất (Mặt trời trên Khuê Văn Các – tác giả Đỗ Hoà An), 1 giải Nhì (Tạm biệt mái trường – tác giả Duy Thịnh), 3 giải Ba (La lả cánh cò – tác giả Trần Minh Luân; Giữ lại cho em – tác giả Lê Anh Tuấn; Xếp hình cái chữ – tác giả Minh Vĩ), và 10 giải Khuyến khích.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo đã có quyết định: tặng Giấy chứng nhận giải thưởng của Bộ Giáo dục – Đào tạo cho 15 tác phẩm đoạt giải. Kèm Giấy chứng nhận, tác phẩm đoạt giải Nhất sẽ được thưởng 20.000.000 đồng; giải Nhì được thưởng 15.000.000 đồng; mỗi giải Ba được nhận 10.000.000 đồng; mỗi giải Khuyến khích được nhận 5.000.000 đồng.
Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục – Đào tạo sẽ lựa chọn khoảng 100 ca khúc có chất lượng trong tổng số các ca khúc dự thi để in thành một tuyển tập, và in đĩa CD một số ca khúc đã phối khí, để phát hành tới các cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm phổ biến rộng rãi trong toàn ngành Giáo dục.
T. N
Theo Giáo dục & Thời đại
Bình luận (0)