Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Trao giải cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2025

Tạp Chí Giáo Dục

Trao giải cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2025 - Audio
00:00 / 00:00
An audio error has occurred, player will skip forward in 2 seconds.
  1. 1 Trao giải cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2025 Audio

Ngày 29-6, Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2025.

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cùng ông Vĩnh Quốc Bảo –  Phó Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM trao hai giải tập thể

Sau 4 tháng triển khai, cuộc thi đã thu hút hơn 13 ngàn học sinh tiểu học, THCS, THPT và trường chuyên biệt tham gia. Trải qua các vòng thi sôi nổi, 84 học sinh và 2 tập thể xuất sắc đã có mặt trong lễ tổng kết và trao giải.

Theo đó, 6 giải nhất đã thuộc về các học sinh: Lê Hoàng Anh Thư (Trường Tiểu học Lý Cảnh Hớn; Phạm Hồ Minh Phúc (Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh; Phạm Thị Nguyên Trang (Trường THCS Bình  Trị Đông; Nguyễn Trần Bình An; Trần Minh Anh (Trường THCS Lê Văn Hưu); Trần Thị Mỹ Duyên (Trường THCS Hai Bà Trưng). Đây cũng là 6 học sinh được chọn tham dự cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” cấp quốc gia sắp tới.

Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao thêm nhiều giải nhì, ba, giải chuyên đề cho các em học sinh.

Tác phẩm đoạt giải của học sinh được trưng bày

Nhà văn Kim Hài – Trưởng ban Giám khảo đánh giá, đa phần bài viết của các em đều khiến cho ban giám khảo vừa vui vừa tự hào. Những tác phẩm các em chọn rất đa dạng, từ kinh điển đến hiện đại, từ tình cảm riêng tư đến triết lý cao xa, khá kén người đọc và có thể nói phải cần có tư duy khá rộng mới tiếp thu được.

Không chỉ vậy, nhiều tác phẩm có nội dung nói lên xu thế của một lớp trẻ năng động, hướng về tương lai nhưng không quên quá khứ.

Qua các bài viết, các em phần nào đã cho thấy cách mà các nhân vật tác động lên các em khá thực tế. Những gì các em yêu thích, mơ ước, mong muốn đã được các nhân vật nói thay, làm thay, khiến các em biến đổi, trở nên hoàn hảo hơn trước.

“Các em đã học được cách viết, cách diễn đạt trôi chảy, cách dùng từ phù hợp nên những ý nghĩ của các em có chiều sâu và lôi cuốn hơn. Đó là tất cả cái được nhất của cuộc thi hôm nay”, nhà văn Kim Hài cho biết.

Học sinh nhận giải

Ông Vĩnh Quốc Bảo –  Phó Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM – cho biết, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc lần thứ 7 là một hoạt động trọng tâm trong việc triển khai đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cuộc thi đã khẳng định thương hiệu của mình trong các hoạt động khuyến đọc, thu hút sự hưởng ứng sôi nổi từ các em thiếu nhi và thanh thiếu niên trên toàn TP.

Qua đó góp phần lan tỏa tình yêu sách, khơi gợi trí tưởng tượng, phát huy sự sáng tạo và chia sẻ những sáng kiến, kinh nghiệm quý báu trong việc phát triển văn hóa đọc.

Cuộc thi cũng là minh chứng cho sự quan tâm sâu sắc của gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong cách thức tổ chức cũng như chính sách động viên, khích lệ các em thí sinh tham gia.

Điều có ý nghĩa sâu sắc hơn cả, cuộc thi đã thực sự trở thành một sân chơi bổ ích, một diễn đàn để các em thanh thiếu nhi chia sẻ về những cuốn sách hay, truyền cảm hứng và trao đổi kinh nghiệm đọc sách một cách hiệu quả.

Theo ông Bảo, các em không chỉ là những người yêu sách, mà còn mang trên mình trọng trách của một đại sứ văn hóa đọc. Đó là trách nhiệm lan tỏa tình yêu đọc sách đến với cộng đồng, truyền cảm hứng để mọi người khám phá tri thức và giá trị mà sách mang lại, đồng thời chia sẻ những phương pháp đọc sách hiệu quả để xây dựng một xã hội học tập.

“Thông qua chất lượng và số lượng của cuộc thi, chúng ta càng thêm tin tưởng và trân quý tinh thần trách nhiệm, khả năng truyền cảm hứng cùng tình yêu đặc biệt dành cho sách của các em học sinh”, ông Bảo chia sẻ.

Hồ Trinh

Bình luận (0)