Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Trao học sinh “chìa khóa thành công”

Tạp Chí Giáo Dục

Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, lao động các nước tự do di chuyển trong khu vực. Điều này đồng nghĩa 4 năm tới, sinh viên khi tốt nghiệp ĐH sẽ phải cạnh tranh gay gắt với nhân lực các nước ASEAN, trong đó có Thái Lan, Singapore… liệu các bạn trẻ có đủ tự tin không?

TS. Lê Thị Thanh Mai đang nói về vấn đề hoạch định cuộc đời của mỗi cá nhân

Vấn đề đặt ra của anh Trần Công Nam (Trưởng phòng Tuyển sinh Trường CĐ Quốc tế Kent) đã làm “nóng” chương trình tư vấn kỹ năng 2016 “Chìa khóa thành công” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Trường CĐ Quốc tế Kent tổ chức tại Trường THPT Ernst Thalmann ngày 4-1. Tại đây, Ban tư vấn cho rằng, bước vào hội nhập, việc các bạn trẻ hoạch định cuộc đời cần nhắm tới cả thời điểm tốt nghiệp ĐH để có bước chuẩn bị kỹ lưỡng, nếu không sẽ dễ bị… hẫng khi vào thực tế.

Hoạch định dài hạn cho tương lai

Không chỉ chú ý riêng kỹ năng, mối quan tâm của nhiều học sinh hiện nay còn hướng đến vấn đề lớn hơn, đó là việc làm sao để có bước đi vững chắc tiến vào hội nhập. Trong đó, đi du học nước ngoài hoặc học chương trình liên kết quốc tế cũng được các em cân nhắc.

 “Nếu thiếu chuẩn bị, học sinh không tạo được sự khác biệt, sẽ khó khẳng định được bản thân”, TS. Lê Thị Thanh Mai khẳng định.

TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM) nhấn mạnh, việc hoạch định cuộc đời của mỗi bạn trẻ không chỉ ở lứa tuổi 18 mà cần nhắm tới cả thời điểm tốt nghiệp ĐH. Từ đó, các em mới có các bước chuẩn bị kỹ càng. Theo TS. Mai, kiến thức về văn hóa và trình độ ngoại ngữ là hai mảng quan trọng học sinh cần chuẩn bị. Tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung sẽ quyết định rất lớn việc học sinh bước tiếp con đường ĐH trong nước hoặc quốc tế. Đồng thời, kỹ năng và thái độ cần được đặc biệt chú ý nếu học sinh muốn đạt học bổng các chương trình đào tạo của nước ngoài.

TS. Mai cho rằng, nếu thiếu chuẩn bị, học sinh không tạo được sự khác biệt, sẽ khó khẳng định được bản thân. Vì vậy, dù mọi học sinh – sinh viên đều được học chung kiến thức, chung thầy cô nhưng nhất thiết phải tạo được sự khác biệt thông qua quá trình chuẩn bị tốt kỹ năng, thái độ… Điều này càng có ý nghĩa trong ứng tuyển việc làm, bởi nếu các em học chương trình trong nước hay nước ngoài, ngành hot hay trường có tiếng… nhưng không đáp ứng được yêu cầu kỹ năng, trải nghiệm thì vẫn khó được tuyển dụng.

Đổi ngành khi không phù hợp

Đây là thời điểm nhiều trăn trở đối với học sinh cuối cấp trong việc lựa chọn cánh cửa vào đời. Nhiều em đặt vấn đề, phát hiện chọn sai ngành liệu có quá mạo hiểm khi thay đổi vào thời điểm nước rút không?

Một học sinh nam đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

Anh Trần Công Nam dẫn chứng câu chuyện của chính bản thân, rằng từng chọn ngành theo ý muốn của cha mẹ. Dù đã cố gắng hoàn thành chương trình nhưng anh lại không tìm thấy cảm hứng học tập, đặc biệt, khi ra trường cũng cảm thấy bối rối trước nhiều câu hỏi của nhà tuyển dụng. Qua đây, anh Nam nhấn mạnh, việc chọn ngành nghề đúng sở thích, sở trường của bản thân hết sức quan trọng, đem đến sự tự tin cho người học nhất là khi các em tốt nghiệp bước vào thị trường lao động thời hội nhập.

Sau Trường THPT Ernst Thalmann, chương trình tư vấn kỹ năng 2016 “Chìa khóa thành công” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp Trường CĐ Quốc tế Kent tổ chức sẽ diễn ra tại 9 trường THPT khác trên địa bàn TP.

Đồng quan điểm, TS. Lê Thị Thanh Mai nhận định, chọn nghề cần xuất phát từ sự yêu thích. Khi đã xác định được sở thích, học sinh cần nhận diện điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, nếu thấy chưa tự tin với khả năng thì lên kế hoạch cải thiện sức học. TS. Mai khuyên học sinh nỗ lực khắc phục điểm yếu chứ không nên dễ dàng từ bỏ ước mơ. Chỉ khi nào không thể cải thiện nổi sức học thì hãy mạnh dạn thay đổi để chuyển sang lĩnh vực vừa sức khác, sang các ưu tiên kế tiếp của mình.

Liên quan đến băn khoăn của học sinh về chi phí khi học các chương trình quốc tế, anh Trần Công Nam chia sẻ, học phí khi du học nước ngoài hay học trong nước chương trình liên kết quốc tế cũng không phải rẻ mà ở mức hợp lý. Tuy vậy, tính trên tổng thể, chi phí học trong nước thấp hơn du học nước ngoài, chỉ bằng khoảng phân nửa…

Bài, ảnh: M.Tâm

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)