Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trào lưu “chơi” chứng khoán mùa dịch

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến sản xuất, kinh doanh ở nhiều nơi gặp khó khăn nên hướng dòng tiền liên tục đổ vào thị trường chứng khoán…
Theo thống kê gần nhất của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong 5 tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đón nhận gần 480.500 tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước mở mới, vượt 20% số tài khoản mở mới của cả năm 2020, gấp 2,5 lần tài khoản mở mới cả năm 2019.
Đổ xô mở tài khoản
Tính đến cuối tháng 5, toàn TTCK có tới hơn 3,25 triệu tài khoản chứng khoán, chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân từ đủ các ngành nghề như nhân viên văn phòng, chủ quán, cơ sở kinh doanh đang nghỉ dịch đến cả những tiểu thương, tài xế taxi, xe công nghệ…
Một nhà đầu tư cá nhân tên Minh (ngụ quận 10, TP HCM) cho biết mình là nhân viên một công ty du lịch, phải nghỉ việc suốt 2 tháng qua vì dịch bệnh. Nghe bạn bè giới thiệu, anh mang số tiền tích cóp được hơn 100 triệu đồng đem đầu tư chứng khoán. "Nhờ may mắn bắt được "sóng" cổ phiếu ngân hàng nên tôi kiếm được một khoản lời kha khá, bù đắp được phần nào thu nhập bị mất trong thời gian nghỉ dịch" – anh chia sẻ.
Còn chị Tâm – một nhân viên văn phòng ở quận 3, TP HCM – cũng kiếm được hơn 100 triệu đồng từ chứng khoán chỉ trong 1 tháng làm việc ở nhà vì giãn cách xã hội. "Sau khi mở tài khoản tại một công ty chứng khoán, tôi được nhân viên môi giới "add" (thêm) vào nhóm tư vấn mua bán trên Zalo. Vì không có nhiều kiến thức về đầu tư và thời gian theo dõi nên tôi trông cậy hết vào nhân viên môi giới. Bạn ấy bảo khi nào mua, khi nào bán, mua gì, bán gì tôi đều làm theo, trong khi một số anh chị trong nhóm cứ thấy cổ phiếu nào tăng mạnh thì nhảy vào mua, lúc giảm mạnh lại lo sợ đua nhau bán nên thua lỗ khá nhiều" – chị Tâm kể.
Trào lưu chơi chứng khoán mùa dịch - Ảnh 1.
Không ít bà nội trợ chọn đầu tư chứng khoán để kiếm thêm thu nhập 

Tương tự, bà Thái Bích Ngà (ngụ quận 7, TP HCM) trước đây mở quán cà phê và "lướt sóng" căn hộ chung cư với một nhóm bạn để kiếm lời. Gần đây, quán phải đóng cửa nghỉ dịch, thị trường căn hộ thì khá trầm lắng vì không có nhiều dự án mở bán, giá lại tăng cao, không còn hấp dẫn như trước nên bà và nhóm bạn chuyển sang chơi chứng khoán, mỗi người góp 1 tỉ đồng vào tài khoản chung. "Thị trường tăng mạnh và bắt đúng sóng cổ phiếu, lãi được 17%-18% chỉ trong một thời gian ngắn nên ai cũng hào hứng. Gần đây có lỗ nhẹ khi cổ phiếu dầu khí giảm giá nhưng anh bạn trong nhóm nói ngành này vẫn rất tiềm năng nên chúng tôi quyết định giữ lại" – bà Bích Ngà nói.
Anh Thanh – chuyên gia tài chính, chứng khoán tự do ở TP HCM – cho biết thời gian qua, anh thường xuyên nhận được tin nhắn của người thân, bạn bè như: "Anh ơi em có 50 triệu chơi chứng khoán được không? Nếu mua làm sao, mở tài khoản thế nào?", "Dạo này chứng khoán hấp dẫn quá, em gửi 200 triệu anh chơi giùm em nhé. Mua gì cứ theo ý anh", "Em có vài chục trong tài khoản, mua lướt sóng ngày kiếm vài trăm đi chợ được không?"…
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, giám đốc môi giới của một công ty chứng khoán có trụ sở ở TP HCM xác nhận số lượng nhà đầu tư mở tài khoản thời gian qua rất lớn. Đáng chú ý, trong số này không chỉ nhà đầu cá nhân nhỏ lẻ mà có cả "cá mập, cá voi…" từ những ngành khác chuyển sang, họ sẵn sàng chi hàng tỉ đồng để đầu tư chứng khoán trong lúc dịch bệnh khó khăn. Chính lớp nhà đầu tư mới với tiềm lực lớn mạnh liên tục nhồi tiền vào chứng khoán giúp thị trường liên tiếp lập kỷ lục mới về thanh khoản, thậm chí có phiên lên tới hơn 38.000 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD).
Thua lỗ dù thị trường tăng
Tuy vậy, không phải ai tham gia đầu tư chứng khoán cũng kiếm được lợi nhuận, nhiều người không biết gì về chứng khoán, thậm chí không biết xem bảng điện tử, mua bán ra sao hay có người chỉ thích nghe theo bạn bè hoặc những chỉ dẫn, "phím" hàng từ các hội nhóm, mua bán theo tâm lý đám đông… dẫn tới thua lỗ nặng nề.
Tâm, nhân viên một công ty chuyên về quảng cáo (quận 9, TP HCM), nghe lời một người bạn mở tài khoản chứng khoán và nộp 100 triệu đồng nhưng mới 3 tuần đã lỗ gần 30 triệu đồng. "Tôi không biết đầu tư nên giao tài khoản cho người bạn giao dịch giùm. Đến cuối tuần qua, giá trị danh mục chỉ còn 70 triệu đồng. Hỏi lại thì bạn tôi nói cổ phiếu bị đội lái đánh xuống, khi nào gom xong sẽ tăng giá trở lại. Thị trường lên, ai mua cũng có lời, tới lượt mình mua lại lỗ, xót lắm nhưng không biết làm thế nào. Lỡ theo rồi phải chịu" – Tâm buồn rầu nói.
Thực tế, câu chuyện TTCK tăng nhưng tài khoản nhà đầu tư vẫn lỗ không phải hiếm. Suốt thời gian qua, các cổ phiếu ngành thép, ngân hàng luân phiên nhau dẫn dắt thị trường, dòng tiền đổ vào cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ (midcap, penny) rất ít. Những nhà đầu tư ít kinh nghiệm và kiến thức đầu tư hoài nghi, không dám tham gia các cổ phiếu đang tăng giá mạnh do sợ "đu đỉnh", nên chuyển sang bắt đáy cổ phiếu midcap, penny vì thấy giá "rẻ". Tuy vậy, những cổ phiếu này không tăng mà còn giảm, nhà đầu tư nhận ra mình bị rơi vào thế "kẹp hàng".
Để bớt lỗ, họ lại mua thêm cổ phiếu để trung bình giá nhưng càng lỗ nặng hơn. Kết quả, không ít người rơi vào vòng luẩn quẩn, giá trị tài khoản liên tục "bốc hơi" mỗi ngày dù thị trường chung vẫn tăng điểm. Ông Nguyễn Vũ Linh, Trưởng Phòng Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán VP (VPS), cho biết lượng nhà đầu tư F0 trên thị trường quá đông nhưng lại ít người có kinh nghiệm nên thường mua bán theo đám đông dễ dẫn tới thua lỗ. Trong đó, thua lỗ khi thị trường tăng chủ yếu do nhà đầu tư chọn sai cổ phiếu, mua nhầm thời điểm và cả lý do "chọn bừa" cổ phiếu.
Theo ông Linh, muốn trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, mọi người có thể tìm hiểu bằng nhiều kênh, có thể đọc sách, tìm hiểu từ các lớp học, các chuyên gia uy tín. Tuy nhiên, phải chú trọng thực hành thay vì lý thuyết và phải tự mình quyết định và chịu trách nhiệm về khoản đầu tư của mình.
Không có chuyện "tất cả cùng thắng"
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính Doanh nghiệp – Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng TTCK vốn là một thị trường đỉnh cao, để tham gia, người đầu tư cần trang bị kiến thức cho mình qua nhiều kênh. "TTCK vận hành theo một nền tảng chung, giúp người chơi có thể ứng phó khi có sự cố cần thiết chứ không chỉ dựa vào kinh nghiệm của người chơi trước. TTCK hiện nay có nhiều đối tượng tham gia, từ quỹ đầu tư, tổ chức, doanh nghiệp và cả những nhà đầu tư cá nhân nhiều tiền, trong khi tiền không tự sinh ra nên không có chuyện "tất cả cùng thắng" mà chỉ là tiền chuyển từ túi người này qua túi người khác. Chúng ta mua của người bán và bán cho người cần mua" – ông Chí chia sẻ.
 
Sơn Nhung (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)