Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trào lưu “hip-hop” ở học đường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhóm hip-hop học sinh Babe Action

Các “trò chơi” của hip-hop gồm DJ (chỉnh, phối nhạc), graffity (nghệ thuật vẽ tường), MC (đọc Rap) và breakdance (nhảy tự do) đang trở nên thu hút rất nhiều bạn trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh (HS). Trước trào lưu này của giới trẻ, hiện có nhiều ý kiến trái ngược nhau…
Học sinh lao theo… hip-hop
HS Mai Văn Thành, trưởng nhóm hip-hop Trường THPT Tam Phú, tâm sự: “Nhóm bọn em thành lập từ năm 2008, và thu hút 12 bạn tham gia. Ban đầu chúng em làm quen với hip-hop đặc biệt là breakdance từ sự ham mê và yêu thích. Không có ai chỉ bảo để luyện tập, chủ yếu là học hỏi qua băng đĩa sưu tầm được và học từ các nhóm đi trước”.
Breakdance không phải là “món” dễ chơi vì những “chiêu” của nó luôn đòi hỏi sự vận động toàn thân và tập trung cao độ khi diễn. Chỉ một chút sơ sẩy có thể chấn thương như chơi. Một trong những chiêu khó nhất là “lật đồng tiền”. Ở “chiêu” này, người chơi dùng hai tay làm trụ, nâng người khỏi mặt đất và quay vòng. Văn Thành, chia sẻ: “Hiện nay, ở TP.HCM rất ít bạn học sinh có thể chơi đẹp với trò… “lật đồng tiền””. Vừa nói Thành đi vài “chiêu” cho tôi xem. Nhìn cảnh Thành trong tư thế tay chống đất, người quay vòng trên không mà rợn gai ốc. Ngoài “lật đồng tiền” dành cho những tay có “nghề” trong làng hip-hop, đối với hạng thường thường bậc trung thì phổ biến nhất là “chiêu” halo. Đây là “chiêu” liên kết các thế nhảy. Chơi càng tốt thì khả năng liên kết các thế càng nhiều. Riêng với nhóm chơi hip-hop của Thành thì mới chỉ dừng lại ở 3 đến 4 “chiêu” như: đá ngựa, cắt kéo và xoay đầu. Người bình thường, nếu xem chừng đó “chiêu” cũng đủ thấy đầu óc quay cuồng.
Song song đó, nhạc đi kèm với breakdance thường là những điệu sôi động như: Rap hoặc R&B. Mặt khác, một trong những thứ không thể thiếu khi gia nhập hội chơi breakdance là trang phục. Toàn những thứ “độc” và hơi “dị dạng”. Quần áo thì luôn thùng thình với đủ các kiểu cách, hình thù, màu sắc và thêm vào đó là một chiếc mũ chẳng bao giờ… đội thẳng. Thanh Dũng, một tay chơi hip-hop bán chuyên nghiệp, cho biết: Trang phục cho hip-hop thường là quần dancer (ống nhỏ, đứng, đáy sâu) và loại quần tụt (đáy sâu, ống rộng); áo thường là áo thun có nón và số của hãng Fubu. Giá cho một bộ đồ hip-hop cũng đủ cấp; dân chơi sang có thể bỏ tiền triệu để có được một bộ. Tuy nhiên, chỉ với một vài trăm ngàn cũng đã có quần áo để chơi. Loại “bèo” như quần áo ưng mắt và có thể dùng để biểu diễn cũng chỉ khoảng 200 đến 500 ngàn, được bán nhiều ở chợ Nhật Tảo hay chợ Bà Chiểu”.
Hiện nay, tại TP.HCM có khoảng gần trên 20 nhóm hip-hop chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp, còn các nhóm học đường thì ai thích thì lập thành nhóm nhảy, phần lớn ở các trường THPT, CĐ, ĐH đều có. Niềm yêu thích dòng nhạc này trên thực tế đã thấm sâu vào giới trẻ. Lứa tuổi mê nhất khoảng chừng từ 10-25. Hip-hop xuất hiện ở khắp nơi, trên đường phố, trong công viên, ở các sân trường, hội trại… Tại Công viên Lê Văn Tám (Q.3), chúng tôi chứng kiến tuy trời mưa lâm râm, nhưng bốn đứa trẻ mới chỉ chừng 8-9 tuổi cũng đã tập tành làm quen với các “chiêu” của hip-hop. 
Nhà trường, phụ huynh thấp thỏm lo
TS. Huỳnh Văn Sơn, chuyên gia tâm lý, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Hip-hop là dòng nhạc du nhập từ phương Tây vào nước ta khoảng từ thập niên 90. Gần đây hip-hop đã trở thành niềm đam mê của giới trẻ cả nước, đặc biệt là giới trẻ học đường. Những bài nhảy breakdance rất dễ biến tướng thành những động tác gợi dục, dễ hướng thanh thiếu niên vào các hoạt động không lành mạnh, nhất là vào thời điểm các “động lắc”, sàn nhảy nhiều như hiện nay. Vì vậy, để bảo đảm tính trong sáng của hip-hop, cần phải có sự định hướng rõ ràng từ các bậc phụ huynh cũng như những người làm công tác thanh thiếu niên.
Nguyễn Đình Bảo, HS Trường THPT Hàn Thuyên (Q. Phú Nhuận), tâm sự: “Lúc đầu làm quen với hip-hop còn e dè và khó tập nhưng rồi càng tập càng yêu thích. Mình thấy những điệu nhảy breakdance rất hấp dẫn và khỏe người. Bây giờ, ngày nào không tập thì lại thấy “oải người” lắm. Con trai mê đã đành, con gái cũng mê nốt. Ngay trong nhóm hip-hop của Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM cũng có đến 20 thành viên là nữ. Do những hạn chế về giới tính, những bạn gái mê breakdance thường chỉ tập vài “chiêu” nhẹ nhàng. Trần Diễm Hằng, lớp 9, Trường THCS Chi Lăng (Q.4), thổ lộ: “Được tập hip-hop em thấy rất vui, nhưng ba mẹ cấm không cho tập, phần vì cách ăn mặc, phần vì sợ ra ngoài đi chơi lêu lổng”.
Cho đến nay, người chơi hip-hop đang tập tành theo kiểu tự phát. Ở TP.HCM có xuất hiện những lớp dạy nhảy hip-hop nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đông nhất và tổ chức bài bản nhất vẫn là Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, còn lại những nơi khác mở lớp cũng chỉ đơn thuần về tổ chức chứ chưa có hoạt động hướng dẫn các em tập luyện. Vì thực tế, đây là loại hình vui chơi quá mới mẻ, tìm được “thầy” hướng dẫn đúng bài bản là không dễ. Trong khi đó, hip-hop gần như là một môn thể dục tự do với những động tác khó. Việc thả nổi cho các em tập luyện không bài bản, không căn cơ rất dễ xảy ra những hậu quả khó lường. Em Nguyễn Minh Thăng, thành viên hip-hop của Nhà Văn hóa Thanh niên, thừa nhận: “Trong quá trình tập luyện chuyện trầy xước, chấn thương tay, chân, cổ là rất thường tình”.
Thầy Nguyễn Quý – Hiệu trưởng Trường THCS Chi Lăng (Q.4) cho biết: “Chuyện cấm hay không trước một niềm đam mê của giới trẻ là không dễ vì thực tế nếu tập luyện đúng bài bản và có tính định hướng, hip-hop cũng có thể là một sân chơi bổ ích. Tuy nhiên, sự đam mê của HS trước dòng nhạc này sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc học hành sau giờ lên lớp. Dễ dẫn tới việc HS bước vào một lối sống không lành mạnh, thích cảm giác mạnh”. Còn chị Nguyễn Minh Nguyệt, phụ huynh em Trần Tài Thắng, HS Trường THPT Phước Long, lo lắng: “Cháu suốt ngày nhảy nhót, nhiều hôm quên cả cơm tối. Hiện tại cháu vẫn học được nhưng nếu cứ tình hình này, việc học tụt dốc là điều không tránh khỏi. Điều tôi lo nhất là sợ cháu chơi với những phần tử xấu bên ngoài”.
Văn Mạnh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)