Trước vô vàn những “xấu xí” của ngành giáo dục trong thời gian qua không thể không kể đến vai trò của “môi trường dân chủ” trong trường học. Theo các nhà quản lý giáo dục, dân chủ trong trường học đơn giản chỉ là nhà trường “trao quyền” cho học sinh được nói và lắng nghe tiếng nói đó một cách tích cực.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) chơi trò chơi trong sân trường
“Thưa cô, con muốn…”
Sáng nào cô Lâm Hồng Lãm Thúy (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM) cũng cố gắng đến trường thật sớm. Điều khiến cô háo hức nhất trong ngày là được mở hòm thư “Điều em muốn nói” gắn ngay cửa phòng Ban Giám hiệu. “Trăm lần như một, lần nào đọc thư các em cũng đầy cảm xúc. Phải yêu và tin lắm các em mới dám chia sẻ những nỗi niềm mong ước của mình”, cô Thúy xúc động nói.
Rất “bạo dạn”, những lá thư chữ viết nắn nót, thẳng thắn đề cập đến nhiều vấn đề, từ gai góc đến đời thường. “Kính gửi cô Hiệu trưởng, con mong cô giải thích giùm con tại sao lại phải mặc đồng phục?”; “Theo như lời cô nói, là cô cho chúng con chơi đá cầu ở dưới sân sau, cánh trái của sân khấu. Nhưng đây lại là chỗ giữ xe của phụ huynh. Mong cô suy nghĩ lại”; “Thưa cô, lớp chúng con trong giờ chào cờ ngồi gần loa quá nên chúng con cảm thấy rất ồn ào. Cô có thể vặn nhỏ âm thanh được không ạ”; “Cô có thể mở thêm CLB vẽ manga được không ạ?”…
“Không chỉ có thư đâu, các em còn trực tiếp gõ cửa phòng Ban Giám hiệu để trình bày về bất cứ băn khoăn nào của bản thân trong chính ngày hôm đó. Ngày nào cũng thế, giờ ra chơi và ra về là tôi mở cửa phòng để cho các em tiện bước vào. Thậm chí ngay tại mỗi lớp học cũng có những hòm thư nhỏ để các em góp ý nhẹ nhàng với chính bạn bè mình”, cô Hiệu trưởng chia sẻ.
Trước những thông tin học sinh phản ánh, cô Thúy cho hay Ban Giám hiệu luôn phải cố gắng giải quyết càng sớm càng tốt và giải quyết phải làm sao cho “đến nơi đến chốn”. “Với những vấn đề cá nhân thì sẽ trao đổi trực tiếp với học sinh, còn những vấn đề mang tính tập thể thì ngay sáng hôm sau, khi các em xếp hàng vào lớp là Ban Giám hiệu phải can thiệp liền. Còn những vấn đề chung, Ban Giám hiệu sẽ trao đổi với các học sinh trong buổi sinh hoạt dưới cờ”, cô Thúy cho biết.
Bên cạnh hộp thư “Điều em muốn nói”, diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói học sinh” được nhà trường tổ chức thường niên cũng phát huy tác dụng rất hiệu quả. Theo cô Thúy, đây là dịp để thầy cô, Ban Giám hiệu đối thoại trực tiếp với tất cả học sinh trong trường ở từng khối lớp, tháo gỡ từng vướng mắc, băn khoăn của các em một cách cụ thể nhất.
“Viết thư cho cô hiệu trưởng” cũng là cách làm đang được Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) thực hiện. Hơn 1.000 lá thư do học sinh toàn trường viết đã được trao tận tay cô Lê Thanh Hương (Hiệu trường nhà trường) sau đợt phát động học sinh viết thư cho cô hiệu trưởng vừa qua. Đó là ước mong về một sân trường to rộng hơn để vui chơi, ước mong về một ngôi trường xây mới đẹp và sáng sủa với hồ bơi thật to và phòng thí nghiệm, phòng thư viện đầy sách, có lớp dạy nhảy, dạy nấu ăn… Hay giản đơn chỉ là lời nhắn gửi được ăn buffet thường xuyên hơn, gắn thêm quạt ở nhà bếp cho bớt nóng…
“Các bức thư thể hiện rõ về những mong ước rất chính đáng của học sinh, giúp bản thân người quản lý hiểu hơn về suy nghĩ, mong muốn của học sinh mình, từ đó có những điều chỉnh sao cho phù hợp. Đặc biệt, qua những lá thư cũng làm cho tình cảm thầy trò thêm khăng khít”, cô Hương bày tỏ.
Khi nhận được thư của các em, ngay lập tức phòng ăn đã được gắn thêm quạt, giờ ra chơi cũng dài thêm 5 phút. Bên cạnh đó, cô Hiệu trưởng cũng cam kết sẽ tổ chức thêm nhiều sân chơi để học sinh trải nghiệm và đặc biệt là tổ chức buffet trưa đều đặn mỗi tháng.
Biết lắng nghe và cầu thị
Tạo mọi điều kiện để học sinh của mình được nói, cô Lâm Hồng Lãm Thúy cho rằng đây chính là cách để nhà trường phát huy quyền trẻ em trong trường học, trang bị cho các em sự tự tin, biết phản biện, tạo ra môi trường thân thiện, dân chủ trong học đường, những tiêu cực, bạo hành vì thế cũng sẽ bị đẩy lùi. “Rất nhiều trong số những vụ bạo hành trong trường học thời gian qua bị phát giác khi đã kéo dài và lặp đi lặp lại một phần là do thiếu môi trường dân chủ trong trường học”, cô Thúy nhận định.
Theo cô Thúy, chỉ khi các em được nói, được bày tỏ suy nghĩ, mong muốn của mình và thấy rằng những mong ước, bày tỏ đó được lắng nghe, ghi nhận thì những cái xấu, cái ác mới có thể bị ngăn chặn ngay từ gốc rễ; những cái tốt sẽ được nhân rộng. Lắng nghe các em nói cũng chính là người giáo viên đang giúp chính mình, gọt giũa và xây dựng hình ảnh của mình sao cho phù hợp trong mắt học sinh. “Để các em được nói, được bày tỏ là cách hữu hiệu nhất ngăn chặn những tiêu cực học đường”, cô Thúy nói.
Từ ngày phát động viết thư, biết Ban Giám hiệu không chỉ lắng nghe mà còn hành động, cô Lê Thanh Hương cho hay học sinh trong trường đã dạn dĩ hơn rất nhiều, tự tin nói lên những suy nghĩ của mình.
Nổi tiếng với chương trình “Ăn sáng cùng cô hiệu trưởng” khi lắng nghe học sinh nói chuyện qua… bữa ăn sáng, cô Trần Thúy An (Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, Q.1, TP.HCM) cũng cho rằng việc “trao quyền” cho học sinh được nói là cực kỳ quan trọng. Bởi sẽ tạo ra một môi trường thân thiện, gần gũi, nhất là có thể tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời những vấn đề mà các em đang gặp phải.
Trong khi đó, tại Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), các em học sinh cũng thường xuyên vào phòng hiệu trưởng để gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với Ban Giám hiệu. “Các em trao đổi về tình hình trường lớp, về quan điểm trước những quy định này, quy định kia của nhà trường hay góp ý về cách các giáo viên đang dạy”, thầy Nguyễn Bảo Quốc (Hiệu trưởng nhà trường) kể.
Theo thầy Quốc, môi trường dân chủ trong học đường trước hết phải là môi trường “biết lắng nghe và cầu thị”. Không gì khác là hãy để học sinh được nói và can thiệp những chia sẻ đó của các em một cách thỏa đáng, không ép buộc hay áp đặt.
Tuy nhiên, thầy Quốc cũng cho rằng, để xây dựng được một môi trường dân chủ thực sự trong trường học thì không chỉ từ phía lãnh đạo nhà trường mà mỗi giáo viên cũng phải chung tay. “Mỗi giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm phải biết nắm bắt tâm lý học sinh, quan sát để biết học sinh của mình đang gặp vấn đề gì, chủ động đồng hành, tháo gỡ những vấn đề đó của các em”, thầy Bảo phân tích.
Yến Hoa
Bình luận (0)