Thông tư 27/2023 của Bộ GD-ĐT quy định việc chọn lựa sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông thay thế cho Thông tư 25 cũ, đã gia tăng thêm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục trong thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Việc tập huấn, bồi dưỡng sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh hơn nữa…
Nhà trường được quyền chọn sách sử dụng
Điểm khác biệt rõ rệt nhất của Thông tư 27 so với Thông tư 25 quy định về việc chọn lựa sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông đó là quyền quyết định, lựa chọn sách giáo khoa được Bộ GD-ĐT giao về cho các cơ sở giáo dục, thay vì thông qua hội đồng chọn sách giáo khoa cấp tỉnh, thành phố như trước đây. Mỗi nhà trường sẽ thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa, bao gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ chuyên môn, đại diện giáo viên, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh. Từng tổ chuyên môn sẽ xây dựng kế hoạch chọn sách giáo khoa cho từng môn học, thảo luận với giáo viên môn học để lựa chọn ra một bộ sách phù hợp nhất. Trên cơ sở đó, hội đồng chọn sách giáo khoa nhà trường sẽ thảo luận, đánh giá, đề xuất với hiệu trưởng nhà trường bộ sách giáo khoa sẽ sử dụng trong năm học. Phòng giáo dục, Sở GD-ĐT chỉ đóng vai trò thẩm định hồ sơ chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục, trình lên UBND tỉnh, thành phố để xem xét, phê duyệt. Như vậy, vai trò của hội đồng chọn sách giáo khoa cấp tỉnh, thành phố theo thông tư mới đã không còn.
Chương trình GDTP 2018 được triển khai từ năm học 2020-2021 đối với bậc tiểu học ở khối lớp 1. Đây cũng là năm duy nhất Bộ GD-ĐT trao quyền chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục theo Thông tư 01/2020. Từ năm học kế tiếp đến năm học 2023-2024, việc lựa chọn sách giáo khoa được áp dụng theo Thông tư 25/2020 của Bộ GD-ĐT, trong đó hội đồng chọn sách giáo khoa cấp tỉnh, thành phố sẽ quyết định danh mục sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục.
Cô H. (giáo viên môn ngữ văn, một trường THCS trên địa bàn TP.Thủ Đức) chia sẻ, những năm trước khi chọn sách giáo khoa sử dụng trong năm học mới còn tình trạng thầy cô chỉ… chọn cho có. Vì biết chắc chắn rằng dù giáo viên, tổ bộ môn có chọn sách giáo khoa nào đi nữa thì quyền quyết định sách sử dụng trong trường không do giáo viên quyết định. “Thực tế là có năm giáo viên đề xuất chọn sách giáo khoa ngữ văn bộ Cánh diều để giảng dạy nhưng cuối cùng sách được lựa chọn, phê duyệt lại là Chân trời sáng tạo…, với lý do là cả thành phố đều chọn cuốn này. Do đó, giáo viên không còn mặn mà với nghiên cứu lựa chọn nữa”.
Thông tư mới về chọn sách giáo khoa trao thêm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục trong thực hiện chương trình mới
Cô H. bày tỏ, chính những bất cập trong chọn sách như vậy đã khiến việc triển khai chương trình mới trong bộ môn gặp phần nào khó khăn. Giáo viên dù được trao quyền trong thực hiện chương trình nhưng lại gặp rào cản chủ động lựa chọn sách giáo khoa phù hợp để thực hiện…
“Bộ GD-ĐT điều chỉnh thông tư chọn sách giáo khoa là đúng đắn và phù hợp. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến từng giáo viên, nhà trường, nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình GDPT 2018 trong từng nhà trường” – cô H. nhận định.
Phát huy cao hơn vai trò của giáo viên
Thầy Văn Nhật Phương (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, quận 11) đánh giá, thông tư mới về chọn sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018 đã giúp cởi bỏ những băn khoăn suốt 3 năm nay của nhà trường, giáo viên trong việc chọn lựa sách giáo khoa. Trao sự chủ động nhiều hơn cho mỗi nhà trường về thực hiện chương trình…
Thầy Phương phân tích: Khi áp dụng theo Thông tư 25, việc chọn sách giáo khoa mặc dù vẫn thông qua đội ngũ giáo viên nhà trường trực tiếp nghiên cứu, đề xuất dựa trên đặc thù đối tượng học sinh, giáo viên. Tuy nhiên, việc sách giáo khoa môn học đó có được sử dụng giảng dạy trong nhà trường hay không thì lại không do giáo viên nhà trường quyết định mà phụ thuộc nhiều vào Hội đồng chọn sách giáo khoa của thành phố. Điều này phần nào dẫn đến băn khoăn của giáo viên khi có thể sách giáo khoa mình chọn nhưng lại không được sử dụng trong năm học…
“Với thông tư mới hiện nay, quyền lựa chọn, quyết định sách giáo khoa sử dụng trong năm học thuộc về giáo viên, tổ chuyên môn, tạo thuận lợi rất nhiều cho giáo viên khi giảng dạy. Điều này là phù hợp, song đòi hỏi từng giáo viên phải nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chọn sách” – thầy Phương khẳng định.
Theo thầy Phạm Quang Vinh (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1), Chương trình GDPT 2018 trao quyền chủ động cho nhà trường, giáo viên trong việc thực hiện, triển khai chương trình, từ phương pháp tổ chức dạy học cho đến kiểm tra, đánh giá. Như vậy, việc điều chỉnh chọn sách giáo khoa theo thông tư mới – đưa quyền quyết định sách giáo khoa sử dụng trong năm học về trường học là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu, định hướng mà chương trình hướng tới. Khi được toàn quyền quyết định sách giáo khoa mình sẽ giảng dạy thông qua việc nghiên cứu, lựa chọn, chắc chắn giáo viên sẽ có sự chủ động cao hơn. Sách giáo khoa được giáo viên lựa chọn dựa trên sự phù hợp nhất với đặc thù đội ngũ, đối tượng học sinh, yếu tố vùng miền… vì thế trong quá trình triển khai giáo viên sẽ không gặp khó khăn.
“Khi được trao quyền thì đi cùng với đó phải là trách nhiệm. Mỗi giáo viên phải chịu trách nhiệm về cuốn sách mình chọn, đòi hỏi thầy cô phải đào sâu, nghiên cứu hơn nữa. Sau mỗi năm học triển khai phải có sự đánh giá lại để có sự phù hợp nhất” – thầy Vinh nhấn mạnh.
Khương Yến
Bình luận (0)