Quy định mới trong công nhận trường chuẩn quốc gia hiện nay đã trao quyền cho giám đốc sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố. Điều này, theo các nhà quản lý giáo dục là đã thêm bước tiến về phân cấp, phân quyền, tạo thêm tính chủ động cho ngành giáo dục trong phát triển ngành…
Tăng tính phân cấp phân quyền, tạo thuận lợi cho TP.HCM
Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học đã chính thức phân cấp thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia từ chủ tịch UBND cấp tỉnh về cho giám đốc sở GD-ĐT và một số thay đổi theo hướng phân cấp mạnh mẽ hơn.
Một điểm mới nữa của Thông tư 22 là đã đưa vào quy định nhà trường được sử dụng minh chứng bằng hình thức văn bản điện tử trong hoạt động KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với trường đáp ứng quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư.
Theo đánh giá, Thông tư số 22 được ban hành sẽ tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý, chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước và trong thực hiện của cơ sở giáo dục, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi nhiều địa phương đã và đang thực hiện sáp nhập các trường học thành trường phổ thông có nhiều cấp học trong lộ trình tinh giản biên chế ngành giáo dục.
Cùng với đó, thông tư được triển khai sẽ là cơ sở để các nhà trường đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu; phấn đấu xây dựng đạt kiểm định, đạt chuẩn quốc gia; thực hiện cải tiến chất lượng liên tục và có hệ thống theo yêu cầu mới với mức độ cao hơn.
Đánh giá về các điểm mới được nêu ra trong Thông tư 22, ông Dương Văn Dân – Trưởng phòng GD-ĐT quận 8 phấn khởi, thông tư trước hết đã “cởi” bớt về thủ tục hành chính đối với lĩnh vực giáo dục trong việc công nhận trường chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh tính phân cấp, phân quyền đối với ngành giáo dục.
“Nếu như trước đó, việc công nhận trường chuẩn quốc gia là thuộc về Chủ tịch UBND TP, từ tờ trình của Giám đốc Sở GD-ĐT TP thì thông tư mới phân cấp phân quyền công nhận trường chuẩn quốc gia cho giám đốc sở. Điều này rõ ràng là giúp giảm bớt những thủ tục mang tính hành chính, đồng thời trao tính chủ động cho ngành giáo dục. Khi được trao quyền mạnh mẽ hơn, chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho từng quận, huyện, cơ sở giáo dục trong xây dựng trường chuẩn quốc gia, tạo tính nhất quán trong quản lý ngành…” – ông Dân phân tích.
Theo ông Dân, trong quyết định phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục TP.HCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND TP đặt mục tiêu đến năm 2030 đảm bảo 60% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 70% trường THCS và 50% trường THPT công lập đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia. Như vậy, thông tư mới tạo điều kiện để TP.HCM thực hiện được mục tiêu này.
Tương tự, thầy Nguyễn Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) nhìn nhận, việc Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 22/2024 thể hiện sự nhất quán về phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông hướng đến tạo điều kiện dạy và học tập tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng dân trí, nguồn lực để phát triển đất nước. Đây là bước đi đúng đắn trong việc chuyên môn hóa các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng giáo dục ở nhà trường nói chung.
“Việc phân cấp thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia từ chủ tịch UBND tỉnh về cho giám đốc sở GD-ĐT là phù hợp, tránh việc quá tải cho lãnh đạo tỉnh/thành; đồng thời tăng tính chủ động cho sở GD-ĐT. Hơn nữa, sở GD-ĐT là cơ quan quản lý về chuyên môn nên phân quyền như vậy là hoàn toàn chính xác. Cạnh đó, việc trao quyền này sẽ tạo thuận lợi cho ngành giáo dục chủ động trong định hướng, phát triển cơ sở vật chất trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục…” – thầy Tuấn nói thêm.
Cần tăng thêm cơ chế giám sát
Thuận lợi, chủ động trong xây dựng trường chuẩn quốc gia song Thông tư 22 cũng đặt ra những yêu cầu mới trong khâu kiểm tra, giám sát, để làm sao tăng hiệu quả, đúng thực chất khi được phân cấp, phân quyền.
Nguyên hiệu trưởng một trường THPT cho rằng, để được công nhận trường chuẩn quốc gia thì không chỉ đòi hỏi về cơ sở vật chất, phòng ốc, bãi tập, điều kiện giáo viên mà còn khống chế thêm về sĩ số học sinh của mỗi lớp. Dù vậy, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, việc khống chế về tổng số học sinh của khối trong tổng số lớp thì có thể làm được, còn nếu tính vì sĩ số học sinh/lớp thì vẫn sẽ là bài toán khó, đòi hỏi quá trình phân cấp phân quyền phải thực hiện hiệu quả, thực chất.
“Chương trình GDPT 2018 là học sinh học theo môn học lựa chọn. Vì vậy, nếu trường triển khai môn học lựa chọn theo hình thức lớp học động thì mới có thể giải được bài toán sĩ số học sinh khi phấn đấu chuẩn quốc gia. Còn nếu trường thực hiện môn học lựa chọn theo hình thức lớp học sẵn có, học sinh chọn thì rất khó đạt được yêu cầu này. Như vậy, đòi hỏi lãnh đạo ngành phải quyết liệt chỉ đạo trong vấn đề xây dựng trường chuẩn quốc gia của đơn vị trường THPT, vừa đảm bảo theo Chương trình GDPT 2018…” – nguyên hiệu trưởng này nhấn mạnh.
Trong khi đó, trưởng phòng GD-ĐT một quận trung tâm tại TP.HCM thẳng thắn, điều quan trọng song song với phân cấp, phân quyền đó là tăng thêm các cơ chế giám sát thực hiện các tiêu chuẩn của việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, nhất là với TP.HCM quy mô ngành giáo dục quá lớn. Để không dẫn đến tình trạng “chuẩn hình thức” hoặc làm theo phong trào.
“Chất lượng giáo dục thực tế ở mỗi nhà trường chính là thước đo, minh chứng sống động nhất cho một ngôi trường đạt chuẩn kiểm định cũng như chuẩn quốc gia. Vì vậy khi được giao quyền, lãnh đạo sở GD-ĐT phải có thêm các cơ chế để giám sát trong quá trình công nhận trường chuẩn quốc gia…” – ông đề xuất.
Về quy định tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo trong thông tư mới, yêu cầu hiệu trưởng nhà trường phải chủ động đưa vào kế hoạch hằng năm việc phân công giáo viên tham dự các khóa học nâng cao trình độ để đáp ứng quy định của Luật Giáo dục năm 2019, bảo đảm lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo kế hoạch của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vị trưởng phòng GD-ĐT này cho rằng, quy định mới này trở thành barem ràng buộc các nhà trường trong yêu cầu bắt buộc phải nâng chuẩn, vượt chuẩn giáo viên hàng năm.
“Trước đó quy định nâng chuẩn giáo viên được đặt ra trong quy chế hàng năm của mỗi nhà trường, được hoạch định trong chiến lược phát triển nhà trường, tuy nhiên nếu không đạt thì cũng chỉ là nhà trường tự rút kinh nghiệm. Còn với việc quy định vào thông tư thì trở thành quy định bắt buộc, điều này đồng nghĩa với việc nhà trường phải xây dựng kế hoạch nâng chuẩn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ hàng năm và bắt buộc phải thực hiện, có chế tài với đơn vị không thực hiện đúng. Và như vậy, chắc chắn chất lượng giáo dục của trường sẽ nâng cao…” – trưởng phòng này đánh giá thêm.
Khương Yến
Bình luận (0)