Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Sự kiện giáo dụcTin tức

Trao thưởng cuộc vận động viết “Ký ức không quên”

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 13-6, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM đã tổ chức chương trình họp mặt báo chí và trao thưởng cuộc vận động viết “Ký ức không quên” mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau 3 tháng triển khai cuộc vận động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 100 bài viết của các tác giả từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi về. Qua đó, Ban tổ chức đã chọn được 50 bài viết có chất lượng đăng tải trên chuyên mục “Ký ức không quên” của website “Linh khí quốc gia”.

Ban tổ chức trao thưởng cho tác giả viết “Ký ức không quên”

Qua xét chọn, Ban tổ chức đã trao thưởng cho 6 tác phẩm: “50 năm và ký ức ngày đầu nhập ngũ” của tác giả Trần Văn Toan (cựu chiến sĩ D53-F477-QK7); “Tư liệu mới về Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh” của tác giả Mạc Phương Minh; “Tôi còn nợ đồng đội nhiều lắm” tác giả Hà Vân (Hội Nhà báo Việt Nam); “Cảm xúc Tháng Tư của tác giả Trần Thị Ngọc Thu (Hương Sơn – Hà Tĩnh); “Những ca khúc của niềm vui hòa bình thống nhất” của tác giả Hoài Hương (Hội Nhà văn Việt Nam); “Câu hỏi của mẹ và “hành trình tìm em dằng dặc khôn nguôi” tác giả Nguyễn Mạnh Bình (CCB Trung đoàn 24).

Nhà báo Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM cho biết, nội dung cuộc vận động viết “Ký ức không quên” là ký ức 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi đề cao nội dung bài viết về thống nhất đất nước, non sông liền một dải.

“Để có được hòa bình, đất nước thống nhất biết bao người con ưu tú của đất nước đã hy sinh quên mình. Đất nước có 1,2 triệu liệt sĩ nhưng còn gần một nửa liệt sĩ chưa biết phần mộ ở đâu hoặc có mộ nhưng vô danh. Vì vậy, chúng tôi phát động “Ký ức không quên” để chạm đến trái tim mọi người để cùng đồng hành, đi tìm mộ liệt sĩ về cho gia đình”, nhà báo Trần Thế Tuyển chia sẻ.

Cuộc vận động nhằm kêu gọi mọi người cùng đồng hành tìm kiếm mộ liệt sĩ

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Tấn Phong – Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM nhấn mạnh, trong 5 năm Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM đã làm được nhiều hoạt động hết sức ý nghĩa. Tôi cảm phục tấm lòng các anh trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Dù nhà nước có chính sách nhưng không thể nào làm được hết mà nhờ có sự đồng hành của hội và các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền đã góp phần hỗ trợ những người có công, động viên tinh thần giúp họ có cuộc sống tốt hơn.

“Tôi mong rằng hội sẽ hoạt động ngày càng mạnh và có nhiều nguồn kinh phí để tiếp tục hỗ trợ những thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách…”, ông Phong bày tỏ.

Hồ Trinh

Bình luận (0)