Học sinh góp tập cho các bạn vùng khó khăn
Ngày 5-12-2023, P.M.D. (học sinh lớp 3/1 Trường Tiểu học Đống Đa, Q.4, TP.HCM) đã mất trong vụ hỏa hoạn và mẹ em cũng bị thương nặng phải điều trị ở bệnh viện. Trong vòng chưa đến 18 giờ đồng hồ thông tin đến thầy cô, học sinh, phụ huynh, nhà trường đã quyên góp được 19.845.000 đồng để hỗ trợ cho gia đình em D., chưa kể một số phụ huynh đã tự đến đám tang của em để hỗ trợ. Tôi nhớ mãi những hình ảnh vào buổi sáng quyên góp trước sân trường. Các cô giáo trẻ được giao nhiệm vụ điều khiển việc học sinh đóng góp, cô nào cũng nói được vài lời là nghẹn ngào không thể tiếp tục, tôi phải làm MC đột xuất. Nhiều học sinh thật đáng yêu khi cầm 5.000 đồng lên nói: “Thầy cô đổi cho em tiền lẻ, em góp 3.000 đồng, còn 2.000 đồng để mua kẹo”. Bất ngờ nhất là một học sinh nữ đóng góp đến 700.000 đồng. Tôi hỏi tiền đâu mà góp nhiều vậy, em đã trả lời: “Dạ, 500.000 đồng là của mẹ góp, còn 200.000 đồng là tiền em để dành”. Địa bàn trường nằm ở khu vực mà đa số gia đình học sinh là hộ nghèo, phụ huynh là lao động phổ thông hay buôn gánh bán bưng. Phụ huynh không giàu, học sinh cũng không có nhiều tiền khi đến trường. Thế nhưng, các hoạt động đóng góp cho hỏa hoạn, lũ lụt, người khuyết tật… ở các nơi, phụ huynh và học sinh của trường đều nhiệt tình ủng hộ. Các phong trào nuôi heo đất giúp bạn vượt khó, nuôi heo đất giúp bạn vui xuân… đều thu được “những chú heo mập mạp, căng tròn”. Tháng vừa qua, phong trào quyên góp tập vở cho học sinh vùng khó khăn đã thu được gần 300 quyển tập trắng… Có lẽ, hiếm có trường học nào trong nội thành mà số học sinh được nhà trường miễn giảm các khoản tiền đóng trong năm học nhiều như Trường Tiểu học Đống Đa. Suốt 2 năm sau dịch Covid-19, nhà trường cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh đã thống nhất không vận động phụ huynh đóng góp cho bất kỳ công trình nào của trường, mặc dù biết rằng điều đó gây khó khăn không nhỏ cho các hoạt động của trường. Thế mà, tổng kết hai năm học 2021-2022 và 2022-2023, học sinh xuất sắc của trường vẫn nhận được phần thưởng như các trường khác từ sự đóng góp của các mạnh thường quân mà thầy cô nhà trường quen biết vận động. Chẳng những thế, năm nào nhà trường cũng xin hỗ trợ từ địa phương, từ các thầy cô trong trường… mấy chục suất học bổng và bảo hiểm y tế trao tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Phải chăng khi nhận được yêu thương từ tấm lòng của thầy cô, các mạnh thường quân, học sinh của trường đã nhận thức được việc chia sẻ, trao lại thương yêu với bạn bè, với cộng đồng. Tình yêu thương luôn lan tỏa, trao yêu thương thì nhận lại thương yêu.
Lê Phương Trí
Bình luận (0)