Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trau dồi nhân cách người thầy

Tạp Chí Giáo Dục

Một số vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng lớn đến hình ảnh những người thầy chân chính đang miệt mài truyền thụ kiến thức cho lứa tuổi tương lai.

Rõ ràng, do thiếu thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi nhân cách nên một số cơ sở giáo dục đã buông lỏng kỷ cương và một số giáo viên đã tự buông lỏng mình nên hành động lệch chuẩn; làm mất đi ít nhiều hình ảnh đẹp vốn có của người làm nghề dạy học.

Trước hết, trước khi chọn vào ngành sư phạm; mỗi chúng ta đều có quá trình tìm hiểu, yêu thích nghề và song hành cùng nghề mình đã chọn trong cuộc sống. Có thể nói là phải bước qua rất nhiều thử thách, chúng ta mới được vinh dự khoác lên mình hai chữ “Nhà giáo” và được xã hội tôn vinh, được mọi người tôn trọng…

Đau xót thay, một số người mang danh “Nhà giáo” nhưng lại làm những việc đồi bại; vi phạm pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam! Vì sao khi mới bước vào nghề dạy học, họ còn tốt nhưng một thời gian sau, họ trở thành tội phạm, gây bức xúc trong dư luận và rất phản cảm, phản giáo dục dưới con mắt học trò? Phải chăng, những người này không chịu trau dồi, rèn luyện nhân cách của con người, nhân cách của người thầy đứng trên bục giảng!

Rèn luyện, trau dồi nhân cách hàng ngày bằng thái độ sống tích cực; luôn hết mình vì công việc được giao. Phải có một thân thể khỏe mạnh và một tâm hồn trong sáng, không gợn lên những ham muốn, dục vọng tầm thường.

Đối với đồng nghiệp, hết lòng tin tưởng, thương yêu, đoàn kết, gắn bó trong một tập thể mạnh về mọi mặt. Đối với học trò, cần có sự công bằng trong đối xử; không phân biệt giàu nghèo hoặc con dân thường, con cán bộ…

Mặt khác, giữa người thầy và học trò nên có khoảng cách cần thiết; không suồng sã, dễ dãi trong cư xử để tránh mọi hậu quả về sau. Người thầy nghiêm khắc nhưng không lạnh lùng; thương yêu học sinh bằng tình cảm chân thực, chân thành, không vì vụ lợi mà đánh mất hình ảnh của mình trong mắt các em.

Rèn luyện, trau dồi nhân cách bằng hành động cụ thể, từ bước đi, dáng đứng, cử chỉ, nét mặt, cách nói năng trong giao tiếp… tất cả đều phải học, phải chuẩn mực, trở thành máu thịt của mình!

Chúng ta học được ở đồng nghiệp; những người luôn được bạn bè, học sinh mến phục… Những tấm gương quanh mình đều có, ngay cả những nhân viên văn phòng, những bác bảo vệ; những người lớn tuổi, mình cũng cần làm theo, học theo nhiều điều hay, điều tốt để không ngừng tự hoàn thiện mình.

Không phải một khi đã bước vô ngành sư phạm, một khi đã đứng trên bục giảng là chúng ta đã hoàn thiện rồi! Cuộc sống luôn vận động, thời gian cứ trôi qua nhưng những điều đọng lại là kinh nghiệm sống; là sự chiêm nghiệm cuộc sống qua thực tế giảng dạy; để rồi “nghề dạy nghề” và chúng ta cứng cáp, trưởng thành hơn.

Cha ông xưa từng dạy “dao có mài mới sắc” hoặc “ngọc có mài mới sáng” là để nói về sự rèn luyện không ngừng về nhân cách con người trong dòng chảy của cuộc sống…

Lê Trưng Sa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)