Thời điểm này, để có được một việc làm đúng chuyên ngành không hề dễ dàng. Nhiều bạn trẻ đã phải chấp nhận làm công việc trái với chuyên môn đã học. Như trường hợp của chính bản thân tôi, năm 2009 tốt nghiệp ngành xã hội học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, háo hức trở về quê hương mong kiếm việc để được gần gia đình và phục vụ tỉnh nhà. Tuy nhiên, sau 2 năm tìm hiểu và nộp hơn 10 bộ hồ sơ vào nhiều nơi từ huyện này đến huyện kia… tôi vẫn không kiếm được việc thích hợp. Tôi đành trở lại TP.HCM và tạm tham gia một công việc không “dính dáng” gì đến những kiến thức mình được trang bị là tổ chức sự kiện, đồng thời thăm dò kiếm một công việc đúng chuyên môn. Cùng khóa với tôi, một số bạn khác cũng chấp nhận điều kiện làm việc tương tự. Một thời gian sau, tôi lại quyết tâm trở về quê nhà tiếp tục tìm kiếm cơ hội thêm lần nữa. Tuy nhiên, nguồn việc tại “trung tâm giới thiệu việc làm” nơi tôi tìm đến cũng vẫn chẳng có gì khác hơn, chủ yếu là phục vụ nhà hàng, phát tờ rơi, tư vấn khách hàng… Ngay cả khi chấp nhận những việc làm ở vùng sâu vùng xa tôi vẫn không tìm được công việc ưng ý. Còn kiếm được cơ hội làm việc tại một số cơ quan Nhà nước lại càng khó hơn, bởi nhiều lý do… Mấy năm qua, bạn bè cùng khóa với tôi, có người cũng “trụ” lại thành phố và học thêm văn bằng khác để… chuyển ngành, số khác may mắn lắm mới có cơ hội làm việc trong môi trường Nhà nước hoặc về quê tham gia làm kinh tế với gia đình bằng các việc trồng trọt, buôn bán…
Có thể nói đậu ĐH và theo đuổi một ngành nghề đã là một quá trình nỗ lực, tuy nhiên, vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp lại khiến người lao động luôn bị áp lực. Thiết nghĩ, bên cạnh công tác đào tạo, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động rất cần được chú trọng, nhất là với các nhóm ngành khoa học xã hội. Có như vậy những người đã trót theo đuổi ngành học mới có cơ hội vận dụng kiến thức vào thực tế, phát triển năng lực bản thân, đóng góp cho gia đình và xã hội. Bởi xét cho cùng, chẳng ai muốn cầm tấm bằng ĐH mà sau nhiều năm miệt mài trên giảng đường mới đạt được chỉ để về buôn bán, trồng trọt… hoặc miễn cưỡng làm những công việc trái hẳn ngành nghề, chuyên môn.
Hải Đăng (Đắk Lắk)
Bình luận (0)