Một tiết dạy của giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
|
Nâng “chuẩn đầu vào” nhằm trang bị đội ngũ giảng viên chất lượng, nhưng hiện nhiều trường ĐH-CĐ rất khó tuyển được ứng viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ…
Nhiều ngành có tỷ lệ “chọi” khá cao, trong khi đó, có ngành lại kiếm không ra ứng viên!
Khan hiếm nguồn tuyển
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM hiện đang thông báo tuyển khoảng 20 giảng viên cho các bộ môn: quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, công nghệ chế biến thủy sản, kỹ thuật chế biến món ăn, công nghệ hóa học – hóa nhựa, kỹ thuật môi trường, cơ khí và công nghệ thông tin. Khác với mọi năm, tiêu chí xét chọn giảng viên năm nay bên cạnh việc ưu tiên ứng viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thì cũng nâng lên mức tối thiểu đạt tốt nghiệp loại khá đối với ứng viên tốt nghiệp ĐH. Theo Trưởng phòng Tổ chức hành chính Đỗ Ngọc Thịnh, từ năm ngoái trở về trước, do nhu cầu lớn về giảng viên, nhà trường vẫn tuyển trình độ tốt nghiệp ĐH và duy trì ĐH dạy CĐ. Tuy nhiên, từ năm nay, với mong muốn nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, đồng thời nhờ tạo dựng được thương hiệu, trường đã thực hiện nâng dần “chuẩn giảng viên”. Trong 10 tháng đầu năm nay, trường tuyển được 58 giảng viên trong số khoảng 400 ứng viên đăng ký. Trong đó, có ngành chỉ tuyển 2 chỉ tiêu nhưng số ứng viên lên đến trên 50. Bên cạnh đó, ThS. Thịnh thừa nhận, việc nâng “chuẩn đầu vào” lại gây khó cho công tác tìm kiếm giảng viên ở một số bộ môn vốn đã “kén” người dạy như cơ khí, công nghệ môi trường… Công tác mời giáo viên thỉnh giảng cho những ngành đặc thù cũng gặp khó, nhất là những nghệ nhân, giảng viên trình độ cao.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm nay cũng tuyển được 113 giảng viên cho tổng số 16 khoa. Mặc dù số ứng viên tham gia tuyển dụng gấp đôi, lên đến 245 tuy nhiên Phó hiệu trưởng Trần Ái Cầm cho rằng, lượng giảng viên tuyển được cũng chưa đem lại sự hài lòng cho trường bởi mục tiêu tuyển dụng trình độ thạc sĩ vẫn chưa đạt được. Đơn cử, Khoa Hàn Quốc học tuyển được 10 trong số 16 ứng viên. Tuy nhiên, số lượng tuyển được chủ yếu là cử nhân, trong đó chỉ một vài người mới vừa bắt đầu học lên. Tương tự, ngành tài chính ngân hàng cũng chỉ tuyển được con số khiêm tốn 15/34 ứng viên đăng ký, chưa đạt chỉ tiêu dự kiến. Theo chị Cầm, với ngành này, trường có nhu cầu tuyển thêm giảng viên và đã liên hệ rất nhiều nơi tuy nhiên, hiện đang rất khan hiếm trình độ thạc sĩ lẫn tiến sĩ. Ở hệ CĐ, Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng cũng chỉ tuyển được 1 trong số 4 chỉ tiêu giảng viên trong năm nay. Đổi lại, trường đành mời giảng viên thỉnh giảng dạy “chữa cháy” cho những tiết học còn “trống” giáo viên.
Vừa tuyển vừa bổ sung nghiệp vụ sư phạm
Chị Đinh Hồng Minh (Trưởng phòng Tổ chức hành chính Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng) đánh giá, quy trình tuyển chọn năm nay gắt gao hơn mọi năm, ứng viên bên cạnh những thủ tục cần thiết như trả lời phỏng vấn… thì còn phải tiến hành dạy thử cả hai phần lý thuyết và thực hành. Kết quả cho thấy nhiều ứng viên còn rất thiếu khả năng sư phạm, khả năng bao quát lớp…
Thực tế, trên yêu cầu tuyển dụng của mỗi trường, số giảng viên chưa đạt “chuẩn” vẫn rất lớn. ThS. Trần Ái Cầm phân tích, ngay cả với một số ứng viên đã đạt trình độ thạc sĩ nhưng do mới ra trường nên rất thiếu kinh nghiệm giảng dạy. Ở một số ngành như dược, điều dưỡng, ứng viên có kinh nghiệm thực tế song lại thiếu kinh nghiệm dạy học. Việc tuyển dụng lớp ứng viên này đòi hỏi nhà trường phải mất thêm thời gian thực hiện đào tạo bổ sung nghiệp vụ sư phạm để đảm bảo giảng dạy. Tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, việc tạo điều kiện cho giảng viên học nâng cao trình độ cũng được chú trọng. Cụ thể, giảng viên tham gia học lên sẽ được giảm 20% khối lượng giảng dạy, hỗ trợ kinh phí, bố trí lịch dạy phù hợp, đồng thời có khen thưởng đối với những người hoàn thành. Với các trường, đây là giải pháp trước mắt nhằm khắc phục khó khăn trong thiếu hụt giảng viên; nâng dần số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao. Về lâu dài, khi “Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH-CĐ giai đoạn 2010-2020” của Chính phủ được hoàn thành, cả nước sẽ có thêm hàng chục ngàn tiến sĩ; đồng thời, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường ĐH-CĐ cũng sẽ được tăng lên, có lẽ các trường sẽ giảm được phần nào mối lo về nguồn tuyển.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)