Trẻ 3 – 4 tuổi phải quan tâm đến cảnh đẹp, lễ hội của quê hương, đất nước. Trẻ 5 – 6 tuổi, ngoài tiêu chuẩn đó, cần biết kính yêu những người có công với quê hương, đất nước và quan tâm đến di tích lịch sử.
Trẻ trong một giờ học. Ảnh: Bảo Anh
|
Đây là một trong nhiều yêu cầu nhận biết và thể hiện cảm xúc, tình cảm với con người, sự vật và hiện tượng xung quanh trong nội dung "Phát triển tình cảm" ở phần "Giáo dục phát triển tình cảm – xã hội" theo dự thảo “Chương trình Giáo dục mầm non” được Bộ GD-ĐT trưng cầu ý kiến ngày 11/2.
Theo dự thảo này, chương trình mầm non sẽ giúp trẻ 3 – 4 tuổi nhận ra hình ảnh Bác Hồ qua tranh ảnh, băng hình; thích nghe kể chuyện, nghe hát, đọc thơ, xem tranh ảnh về Bác Hồ.
Trẻ 4 – 5 tuổi nhận ra hình ảnh Bác Hồ, lăng Bác Hồ; thích và thuộc một số bài hát, bài thơ về Bác Hồ
Trẻ 5 – 6 tuổi nhận ra hình ảnh Bác Hồ, chỗ ở, nơi làm việc của Bác Hồ, biết một số bài hát, bài thơ, câu chuyện về Bác Hồ.
Dự thảo chương trình có 77 trang, gồm 3 phần: Những vấn đề chung; Chương trình giáo dục nhà trẻ; Chương trình giáo dục mẫu giáo.
Theo Bộ GD-ĐT, chương trình giáo dục mầm non hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện cuối độ tuổi về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm – xã hội và thẩm mĩ.
Nội dung cụ thể: giáo dục nhà trẻ được chia thành 4 lĩnh vực: phát triển thể chất, phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ, giáo dục phát triển tình cảm – xã hội và thẩm mĩ.
Ở giáo dục mẫu giáo được chia thành 5 lĩnh vực: phát triển thể chất, phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ, phát triển tình cảm – xã hội và giáo dục phát triển thẩm mĩ.
Từng lĩnh vực có các chỉ số làm căn cứ đánh giá sự phát triển của trẻ ở mỗi độ tuổi. Ba độ tuổi được xác định “chuẩn” hóa các tiêu chí ở từng lĩnh vực: 3-12 tháng, 12-24 tháng và 24-36 tháng.
Trong phần kết quả mong đợi mô tả cụ thể những gì trẻ trong độ tuổi cần và có thể thực hiện nhắm định hướng cho giáo viên tổ chức hướng dẫn hiệu quả các hoạt động ở từng lĩnh vực cụ thể chuẩn bị tốt cho trẻ khi nhập học ở trường phổ thông.
Dự thảo cũng cho biết, có thể sử dụng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp sau để đánh giá trẻ: Quan sát; Trò chuyện, giao tiếp với trẻ; Đánh giá qua bài tập; Phân tích sản phầm hoạt động của trẻ; Trao đổi với phụ huynh.
Dựa vào các chỉ số phát triển của trẻ để đánh giá ở cuối độ tuổi (6, 12, 18, 24 và 36 tháng). Kết quả đánh giá được giáo viên ghi lại trong hồ sơ cá nhân từng trẻ.
Theo Bộ GD-ĐT, chương trình giáo dục mầm non được xây dựng và phát triển theo 3 quan điểm: Hướng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ phát triển liên tục, đảm bảo đáp ứng sự đa dạng của các vùng miền và các đối tượng trẻ
Trả lời báo chí cuối tháng 12/2008, ông Nguyễn Hữu Châu, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, dự kiến Chương trình Giáo dục mầm non mới sẽ triển khai vào năm học 2009-2010.
Kiều Oanh(Vietnamnet)
Bình luận (0)