Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trẻ bị bỏ rơi trong gia đình: SOS!

Tạp Chí Giáo Dục

Với mong muốn có một cuộc sống đủ đầy về vật chất, hoặc đơn giản chỉ là lo miếng cơm manh áo cho gia đình, nhiều ông bố, bà mẹ đã chấp nhận bỏ rơi con trong chính ngôi nhà của mình để lao vào kiếm tiền. Càng ở những thành phố lớn thì càng có nhiều trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi…

“Mồ côi” khi vẫn còn cha mẹ
Hơn một tháng nay, bé Hải (30 tháng tuổi) thường xuyên giật mình và khóc thét trong khi ngủ khiến vợ chồng anh Nghị (Q.Thủ Đức) rất lo lắng. Vợ chồng anh đã nhiều lần đưa con đi khám ở phòng mạch tư nhưng các bác sĩ đều khẳng định bé không có bệnh gì. Sau đó, vợ chồng anh đưa con tới khám tâm lý tại Bệnh viện Nhi đồng II. Trong phòng khám, bé từ chối chơi đồ chơi mà chỉ ngồi trên đùi mẹ với vẻ mặt u buồn, hai cánh tay bám chặt thân mẹ. Khi các bác sĩ hỏi bệnh sử, vợ chồng anh Nghị cho biết vì cả 2 đều là công nhân ở khu công nghiệp Sóng Thần nên tiền lương chỉ đủ ăn. Từ khi có bé Hải, mức chi tiêu tăng gấp 2 lần nên khi con chưa đầy ba tháng chị Bình (vợ anh) đã gửi cho một người bà con ở Bình Dương nuôi. Từ đó, bé Hải chỉ được sống với ba mẹ vào 2 ngày cuối tuần (thứ 7 và chủ nhật). Theo các bác sĩ tâm lý, hành động bám chặt thân mẹ của bé Hải là để bù lại những ngày tháng thiếu hơi ấm của mẹ. Hậu quả của việc bị bỏ rơi là bé hay giật mình và khóc thét khi ngủ.
Bố mẹ nên quan tâm nhiều hơn đến bé (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: I.T
Hai tháng tuổi, bé Cẩm Tú được mẹ giao cho vú nuôi chăm sóc. Từ việc bú, ngủ, tắm, vệ sinh của bé đều do vú nuôi làm, rất hiếm khi mẹ của bé tham gia. Lớn lên một chút, Cẩm Tú chỉ biết vui chơi với truyền hình và băng video bởi vú nuôi còn phải làm việc khác. Thật là lâu Cẩm Tú mới nhận được sự vuốt ve, ôm ấp và nghe giọng nói dịu dàng của mẹ. Do vậy, dù đã ba tuổi mà bé vẫn không biết nói.
Khánh – 10 tuổi được mẹ đưa đến khám tâm lý tại Bệnh viện Nhi đồng I vì em có những hành vi hung hăng, hiếu động, kém tập trung trong học tập. Chị Trang (mẹ của em) cho biết: “Lúc Khánh 3 tuổi, thấy con ngủ nên tôi đi ra ngoài, tỉnh dậy không thấy mẹ nên Khánh khóc. Dỗ hoài thằng bé không nín, chồng tôi đã bỏ con ra sân. Thằng bé đã khóc rất lâu ở ngoài cho đến khi tôi trở về. Từ đó, nó thường xuyên bị nhức đầu, khó tập trung học tập. Mỗi lần như vậy, nó lại bị bố đánh”. “Không bao giờ bố hỏi con về những khó khăn để giúp con vượt qua. Bố chỉ chửi mắng, đánh đập. Con rất hận bố và không muốn sống trong gia đình nữa”, Khánh tiếp lời mẹ.
Trẻ có thể tự tử vì cô đơn 
Bị cha mẹ bỏ rơi, tùy từng lứa tuổi mà trẻ có nhữngbiểu hiện khác nhau. Ở trẻ dưới 2 tuổi, bé thường có những rối loạn ăn uống như bỏ bú, nôn ói; rối loạn giấc ngủ như khóc đêm, giật mình; dễ bị nhiễm khuẩn như viêm hô hấp, tiêu chảy. Thậm chí, bé có thể bị suy giảm hệ thống miễn dịch.Đối với trẻ từ 3 – 5 tuổi, trẻ có những dấu hiệu thoái lùi như ngưng nói mặc dù trước đó đã biết nói, hiếu động, kém tập trung. Đối với trẻ 6 – 10 tuổi, trẻ gặp khó khăn trong học tập vì trí nhớ kém, thiếu ngủ, hay gặp ác mộng hoặc mộng du.Nguy hiểm nhất là đối với trẻ vị thành niên, các em thường say mê trò chơi game trên vi tính, tiếp cận với internet, ghiền “chat”, kết bạn trong thế giới ảo để có bạn tâm sự. Cũng có em hút thuốc lá, uống rượu, hút xì-ke, bỏ học. Đặc biệt, có không ít trường hợp bị trầm cảm và có xu hướng tự tử.
Vậy cha mẹ nên làm gì để tránh những hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển của trẻ?Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh – Bệnh viện Nhi đồng I khuyên rằng: “Cha mẹ nên phân phối thời gian hợp lý giữa công việc ngoài xã hội và trong gia đình. Không mang việc ở cơ quan về nhà, tránh những hậu quả của stress trong công việc ngoài xã hội gây căng thẳng trong gia đình, làm cho trẻ cảm thấy lo âu, sợ sệt.Trong gia đình, vợ chồng nên chia sẻ công việc với nhau và kêu gọi sự tham gia của con cái như cùng chuẩn bị bữa ăn tối và cùng dùng bữa ăn chung với nhau. Nếu cha mẹ đi công tác xa hãy giải thích cho trẻ biết và cố gắng liên lạc với trẻ để chúng an tâm học tập và vui vẻ chờ ngày cha mẹ trở về.Cha mẹ nên dành nhiều thời gian để chơi đùa với con, lắng nghe con tâm sự về những buồn vui, qua đó động viên, nâng đỡ con. Tóm lại, vai trò của cha mẹ rất cần cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Trẻ chỉ có thể phấn đấu tốt khi có sự yêu thương của cha mẹ…”.
Thúy Hằng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)