Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trẻ bị cong xương do thiếu vitamin D

Tạp Chí Giáo Dục

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lí giúp cơ thể trẻ phát triển cân đối, khỏe mạnh. Ảnh: T.Lê

Với cấu trúc xương yếu, trẻ có thể bị bệnh cong xương chân. Bệnh này do nhiều nguyên nhân nhưng có thể chữa khỏi nếu kịp thời phát hiện và điều trị sớm.

Những quan niệm sai lầm
Bé Ái Vân vừa được 8 tháng tuổi, chị Hương – mẹ bé đã bế ngang hông. Thấy vậy, bà nội xót ruột: “Trẻ nhỏ bế vậy chân nó dạng ra, lớn lên thành chân vòng kiềng thì còn gì là đẹp”. Không phải bây giờ bà nội bé Ái Vân mới trở nên khó tính như vậy mà ngay với đứa cháu nội đầu, bé Trung Nam (4 tuổi) vốn bị vòng kiềng bẩm sinh, bà vẫn khăng khăng cho rằng nguyên nhân do bế hông sớm. Khi Ái Vân chào đời, bà nội bé chăm sóc cháu, kiêng cữ kỹ lắm. Bà liên tục căn dặn chị Hương “Phải chịu khó nắn tay, bóp chân cho nó thẳng ra. Không nắn, không bóp rồi lớn lên chân nó lại cong, lại kiềng như đứa anh”.
Bác sĩ Phan Văn Tiếp, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM (Q.5, TP.HCM) cho biết: “Do cấu trúc của bào thai, chân trẻ phải cong lại cho phù hợp, gọi là cong chân sinh lý. Khi trẻ lớn lên buộc phải vận động, tập đi. Lúc này, cấu trúc xương còn mềm nên có thể tự điều chỉnh và chân sẽ hết cong. Động tác nắn không hề có tác dụng làm thẳng chân và bế hông sớm cũng không gây cong chân mà ngược lại còn có tác dụng giúp tránh trật khớp háng”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh chân chữ X, chữ O. Trong đó, nguyên nhân bẩm sinh là do rối loạn phát triển đầu xương của vùng gối. Biểu hiện thường thấy là u xương, còi xương, bướu xương, viêm xương khiến xương cong lại không phát triển. Mặt khác, một đứa trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D cũng dễ bị chân chữ X, chữ O. Bệnh xảy ra khi trẻ bắt đầu tập đi. Cấu trúc xương còi làm xương yếu. Khi tập đi, đôi chân của trẻ phải chịu trọng lượng của cơ thể nên khiến chân bị cong. Trẻ bị cong chân thường gặp hai dạng: hai chân cong khoằm vào (gọi là chân chữ O), và hai chân xoãi ra, đầu gối chụm lại (gọi là chân chữ X).
Chế độ chăm sóc đóng vai trò quan trọng
Theo bác sĩ Tiếp, bệnh cong chân chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân nhiều nhất do trẻ bị còi xương vì thiếu vitamin D.Vitamin D có tất cả trong các tế bào, là kích thích tố hay hormone kích thích cơ thể hấp thụ canxi, phốt pho, giúp xương phát triển toàn diện, vững chắc. Vì thế, nếu thiếu vitamin D sẽ làm xương còi, yếu, giòn, dễ bị gãy nếu ngã nhẹ. Do đó, bên cạnh việc cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ, các bậc cha mẹ cần bổ sung đầy đủ vitamin D để hệ xương của các bé phát triển toàn diện. Lượng vitamin D có nhiều trong các loại cá, trứng, ánh nắng và sữa mẹ.
Mỗi đứa trẻ có một cấu trúc xương khác nhau. Có trẻ mới 8, 9 tháng đã bắt đầu tập đi. Nhưng cũng có trẻ lâu hơn thế. Do đó, thấy con chậm biết đi so với bạn bè đồng trang lứa, các bậc cha mẹ đừng quá lo lắng.
Bệnh cong chân làm mất thẩm mĩ dáng đi. Với trẻ bị cong chân do bẩm sinh, khi trẻ đã trưởng thành mà chưa can thiệp thì khó có thể điều chỉnh vì lúc này cấu trúc xương đã cứng, phát triển hoàn chỉnh. Điều này dễ khiến trẻ bị bệnh thoái hóa khớp gối về sau. Để phát hiện bệnh chân chữ X, chữ O, khi trẻ đi vững, cha mẹ có thể kiểm tra bằng cách cho con đứng thẳng, khép chân. Nếu khoảng cách giữa hai đầu gối là 5cm thì bình thường. Chẳng may trẻ bị cong chân, cha mẹ nên can thiệp chỉnh lại từ năm 3 tuổi. Đây là độ tuổi hợp lí nhất để can thiệp vì tỷ lệ thành công là khá cao.
Ngọc Trinh

Bình luận (0)