Biến chứng nặng nhất do vi rút Zika có liên quan đến chứng đầu nhỏ (teo não) ở thai nhi, trẻ sơ sinh. Thai nhi bị đầu nhỏ sẽ bị ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh; tâm thần vận động.
Mối nguy của dị tật đầu nhỏ
Tính đến nay (25.10), Việt Nam đã ghi nhận 9 ca bệnh nhiễm vi rút Zika. Trong đó, TP.HCM có 5 trường hợp, còn lại ở Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Long An.
Đặc biệt, Bộ Y tế đang giám sát, xét nghiệm một trường hợp em bé 4 tháng tuổi bị dị tật đầu nhỏ nghi do virus Zika, bởi trong thai kỳ mẹ bé có hai lần bị sốt và phát ban.
Theo Bộ Y tế, bệnh do vi rút Zika thường nhẹ, người lớn nhiễm vi rút Zika hầu như không có vấn đề gì và có thể khỏi sau 4-5 ngày điều trị triệu chứng.
Riêng ở trẻ em, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết: Biểu hiện bệnh khi nhiễm vi rút Zika đa số nhẹ hơn so với người lớn. Hiện trên thế giới chưa có ghi nhận trường hợp trẻ tử vong hay ảnh hưởng thần kinh sau khi nhiễm vi rút Zika.
Tuy nhiên, vi rút Zika đặc biệt được khuyến cáo đáng lo ngại đối với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu. Bởi lẽ, biến chứng nguy hiểm nhất do vi rút Zika theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là có liên quan đến chứng đầu nhỏ (teo não) ở trẻ sơ sinh nếu người mẹ khi mang thai ở 3 tháng đầu bị nhiễm Zika.
Theo công bố của WHO, dị tật đầu nhỏ là một tình trạng hiếm gặp khi một trẻ sơ sinh có đầu nhỏ bất thường. Điều này là do sự phát triển não không bình thường của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ hoặc trong giai đoạn sơ sinh. Trẻ sơ sinh và trẻ em bị tật đầu nhỏ thường gặp phải những khó khăn với sự phát triển não bộ khi lớn lên.
Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) xác định: Trẻ mắc hội chứng đầu nhỏ có thể mắc một loạt các vấn đề tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng. Trẻ có thể bị động kinh, chậm phát triển, khuyết tật trí tuệ (giảm khả năng nhận thức với các vấn đề hàng ngày), gặp khó khăn trong việc cân bằng và đi lại, khó nuốt, mất thính lực, thị lực, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương (TP.HCM), cũng cho biết: Thai nhi bị đầu nhỏ (teo não) sẽ bị ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh; ảnh hưởng đến các chức năng thần kinh, tâm thần vận động (như ảnh hưởng trí tuệ, vận động, nói năng, sinh hoạt).
“Vì vậy, trong trường hợp xác định thai nhi bị chứng đầu nhỏ sẽ có chỉ định, tư vấn chấm dứt thai kỳ”, bác sĩ Tuyết nói thêm.
Bên cạnh đó, bác sĩ Khanh cho biết: Trẻ bị dị tật đầu nhỏ hoặc có tiền sử mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần, vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh nếu có.
Hiện nay các nhà khoa học chưa tìm ra phương pháp cụ thể để điều trị hoàn toàn hội chứng đầu nhỏ. Tuy nhiên, với trẻ mắc bệnh, các bác sĩ có thể điều trị co giật, điều chỉnh các hành vi khác thường, giúp trẻ phát triển. Trẻ bị nhẹ cần thường xuyên thăm khám để được giám sát và tư vấn cách phát triển. Những trẻ bị nặng cần điều trị suốt cuộc đời để kiểm soát triệu chứng, đặc biệt là co giật, có thể đe dọa tính mạng.
Chẩn đoán dị tật đầu nhỏ
Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân gây ra đầu nhỏ ở trẻ. Đó là: thai phụ bị mắc vi rút rubela, khuẩn giang mai, ký sinh trùng; sử dụng hay tiếp xúc với ma túy, rượu hoặc các chất độc khác, suy dinh dưỡng; có liên quan tới tổn thương nhiễm sắc thể; ảnh hưởng bởi gien gi truyền.
Trong đó, có nguyên nhân liên quan đến vi rút Zika.
“Tuy nhiên, không phải thai phụ nào bị nhiễm Zika thì em bé sinh ra cũng bị đầu nhỏ”, bác sĩ Tuyết khẳng định.
Hiện nay, các nghiên cứu y khoa ghi nhận khoảng 10% thai phụ nhiễm vi rút Zika sinh con mắc dị tật đầu nhỏ.
Bộ Y tế cũng cho biết trường hợp thai phụ cần xét nghiệm vi rút Zika là: Thai phụ trong 3 tháng đầu mang thai nếu có triệu chứng sốt, nhức mỏi (đau mỏi vai, cơ khớp), phát ban; có đến, ở, đi về từ vùng có dịch bệnh Zika thì đến các bệnh viện phụ sản khám để được tư vấn, làm xét nghiệm.
Trường hợp phụ nữ mang thai dương tính với vi rút Zika (nhiễm Zika) cũng không có chỉ định cần bỏ thai vì hệ thống y tế hoàn toàn có thể giám sát được thai nhi liệu có bị chứng đầu nhỏ hay không.
Thai phụ được tiếp tục siêu âm theo dõi sự phát triển của thai nhi, siêu âm 2 tuần/lần bên cạnh việc siêu âm thai kỳ bình thường, khi nào khẳng định chắc chắn thai nhi mắc hội chứng đầu nhỏ thì mới có kế hoạch xử trí.
Theo bác sĩ Tuyết, việc chẩn đoán, giám sát chứng đầu nhỏ ở thai nhi được thực hiện qua siêu âm thai khi đi khám thai định kỳ, đặc biệt ở tuần thứ 20-22 của thai kỳ.
Các bác sĩ sẽ đo vòng đầu của thai để xác định có bị chứng đầu nhỏ hay không.
Đây là chẩn đoán y khoa đã được các cơ sở y tế, bệnh viện sản khoa thực hiện trong quy trình khám thai định kỳ đối với thai phụ từ lâu nay để tầm soát, kiểm tra sức khỏe thai nhi.
Nguyên Mi (TNO)
Bình luận (0)