Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Trẻ bị “ép duyên” với nghệ thuật

Tạp Chí Giáo Dục

Định hướng hay chọn môn nghệ thuật cho trẻ phải dựa vào hứng thú và đam mê của trẻ, không phải dựa vào suy nghĩ, sở thích hay nhu cầu của cha mẹ.

Một chiếc piano to tướng được đặt trong phòng khách, mỗi chiều có một cô bé xinh xắn ngồi vào đó bấm những phím đàn vỡ lòng là hình ảnh tuyệt đẹp với hầu hết phụ huynh khi muốn “gieo mầm” nghệ thuật cho con. Tuy nhiên, phụ huynh cần tới gần hơn chiếc đàn đó để khám phá bé có thật sự yêu thích và muốn học đàn lâu dài hay không.

Cho trẻ chơi trong môi trường thực tế

Thực tế có nhiều gia đình đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cho cây đàn piano, hàng chục triệu cho cây organ hoặc tốn hàng triệu đồng mỗi tháng để mời giáo viên dạy nghệ thuật tại gia. Mục đích là muốn biến trẻ thành thiên tài nghệ thuật hoặc ít nhất là muốn tạo cho trẻ hình ảnh của người am hiểu và biết chơi các môn nghệ thuật trong tương lai.

ThS tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tâm lý Hồn Việt (TP.HCM), cho biết: “Trừ những người được sinh là để trở thành thiên tài, để phát hiện môn nghệ thuật phù hợp cho trẻ, cha mẹ, thầy cô phải cho trẻ chơi trong môi trường thực tế. Phải quan sát trẻ, cách trẻ chơi, thời gian trẻ tập trung chú ý vào môn nghệ thuật đó dài hay ngắn, khả năng, thành tích của trẻ ở môn đó cao hay thấp… thì mới có thể khẳng định phần nào sở thích lâu bền của bé”.

Sở thích lâu bền còn được gọi là đam mê. Điều này hoàn toàn khác với sở thích nhất thời ở trẻ. Một bé gái bỗng dưng nằng nặc đòi mẹ mua một chiếc đàn organ giống chị hàng xóm vì thấy chị ấy có thể tạo ra những âm thanh vừa lạ tai, vừa quen thuộc từ cây đàn như những gì bé được xem từ TV là ý thích nhất thời. Bé sẽ dễ chán nếu được chính thức sở hữu một chiếc đàn và tiếp xúc những bài học nhạc lý khó khăn.

Phụ huynh hay thầy cô chỉ nên đóng vai trò tư vấn, dẫn dắt ước mơ, đam mê của con mình khi chúng muốn tham gia các môn học nghệ thuật. Ảnh: SH

“Để phân biệt đam mê thật sự và ý thích nhất thời, phải cho trẻ tham gia môn nghệ thuật đó cùng với bạn bè ở trường, nếu qua thời gian dài, trẻ vẫn còn ham thích, thậm chí say mê đến mức ám ảnh thì đó là đam mê. Một khi trẻ có biểu hiện đam mê, trẻ sẽ muốn có kế hoạch dự định lâu dài cho việc tham gia hay học tập, say mê luyện tập, kiên nhẫn vượt qua khó khăn trong môn nghệ thuật đó để đạt thành thích vượt trội so với bạn bè cùng chơi” – ThS Nguyễn Thị Tâm cho biết.

Chỉ nên khơi mầm nghệ thuật cho trẻ

Mùa hè là thời điểm phụ huynh đổ xô đầu tư các môn nghệ thuật cho con nhiều nhất. Thậm chí có trường hợp thấy con nhà hàng xóm học môn gì thì cũng cho con mình học theo cho bằng chị, bằng em. Tuy nhiên, khi không yêu thích, nhiều bé tỏ ra khó chịu thậm chí phản ứng lại mong muốn này nhưng thường là “bất lực” trước các bậc phụ huynh khó tính.

Theo ThS Nguyễn Thị Tâm, nếu trẻ bị “ép duyên” với nghệ thuật bởi các môn học như múa, hát, đàn, vẽ tranh… thì tâm lý cũng không bị ảnh hưởng quá nặng nề. Tuy nhiên, nếu xác định được ngay sở trường, khả năng của con, cha mẹ lấy thời gian đó cho con học đúng môn học mà con yêu thích, đam mê và có năng khiếu thì đỡ phí thời gian của con và tiền bạc của cha mẹ.

TS tâm lý Lê Minh Công, Phó Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng BV Tâm thần TW2, thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Đồng Nai, chia sẻ: “Chủ đề ép con học là một chủ đề muôn thuở và gây nên nhiều tranh cãi. Tôi cho rằng mục đích của giáo dục chính là phát triển sự lành mạnh nhất của cá thể, nghĩa là giáo dục chỉ là người định hướng, tạo cảm hứng, xây dựng nền tảng kỹ thuật hay công cụ. Đồng thời, phải tạo điều kiện để đứa trẻ phát huy mọi tố chất và tính tự chủ cao thì mới tốt được. Việc học các môn kỹ năng sống, năng khiếu cũng vậy, sẽ rất tốt nếu các em được tiếp cận sớm với các chương trình này. Tuy nhiên, nó phải là một cách tự nhiên! Phụ huynh muốn hoặc ép con em học nghệ thuật không có nghĩa là các em trở thành người hành nghề như thế. Ví dụ, học nhạc không có nghĩa các em phải giỏi nhạc, trở thành ca sĩ hay nhạc sĩ, học vẽ tranh không có nghĩa các em trở thành họa sĩ, … Vì thế, phụ huynh cần đặt mục tiêu của các môn học này là giúp các em đẹp hơn và biết yêu cái đẹp, giúp cho các em hình thành một hệ thống giá trị và năng lực cảm thụ thẩm mỹ, phát triển mạnh mẽ tình yêu và sự hài hòa”.

TS tâm lý Lê Minh Công: 12 tuổi: Chưa thể khẳng định đam mê thật sự của trẻ

Trẻ em đến độ tuổi 12 có thể xuất hiện những sở thích cá nhân theo xu hướng nào đó (sở thích này phần nhiều do ảnh hưởng “thần tượng” của mình) nhưng vẫn hoàn toàn chưa thể khẳng định đó có phải là đam mê thật sự của trẻ. Thiên hướng nghệ thuật có thể có với những trẻ em đặc biệt nhưng quá trình phát triển tâm lý của các em còn nhiều thay đổi, khi dậy thì tâm lý có thể sẽ khác đi. Do đó, phụ huynh không nên quá đặt nặng vấn đề này.

TRỊNH LÊ (PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)