Giáo viên luyện phát âm cho học sinh tại Trường Chuyên biệt Q.Bình Thạnh
|
“Tìm kiếm giải pháp, phương tiện để hỗ trợ trẻ em bị hở môi và vòm miệng sau phẫu thuật có được tiếng nói bình thường như những trẻ lành lặn là một hoạt động không chỉ mang tính khoa học mà còn mang tính nhân văn sâu sắc”.
Đó là ý kiến của PGS.TS Hoàng Văn Cẩn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nêu ra tại hội thảo Âm ngữ trị liệu cho trẻ 3-9 tuổi bị hở môi và vòm miệng sau phẫu thuật do Khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) phối hợp với Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức ngày 4-12.
Khó chỉnh sửa nếu không can thiệp sớm
PGS.TS Hoàng Văn Cẩn cho rằng việc dạy trẻ mẫu giáo và đầu tiểu học không may bị dị tật bộ phận phát âm biết nói rõ ràng, rành mạch có ảnh hưởng quyết định đối với việc học tập và hòa nhập vào cuộc sống của mỗi em. Thực tế có không ít trẻ bị hở môi và vòm miệng (gọi tắt là hở môi) được phẫu thuật mang lại khuôn miệng tươi xinh nhưng không được can thiệp hỗ trợ về lời nói một cách kịp thời và đúng đắn. Vì thế, dù lấy lại được hình hài bên ngoài nhưng trẻ vẫn gặp không ít khó khăn trong học tập và cuộc sống nhất là đến tuổi trưởng thành. Ngược lại, nếu trẻ được trị liệu âm ngữ sớm ngay sau khi được phẫu thuật thì nguy cơ suy kém các kỹ năng xã hội cũng được giảm bớt.
PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), cho biết theo ước tính, hàng năm tại Việt Nam có trên 3.000 trẻ sinh ra bị dị tật hở môi. Như vậy, cứ 500 trẻ sinh ra thì có một bé bị dị tật này. Thế nhưng có rất nhiều trẻ, nhất là ở các tỉnh, vùng sâu vùng xa rất thiệt thòi không chỉ được phẫu thuật trễ mà còn chưa được hỗ trợ chỉnh âm, điều chỉnh tật phát âm, sửa chữa lỗi phát âm một cách kịp thời và đúng đắn.
Lời cảnh báo này có căn cứ vì nếu trẻ sau khi phẫu thuật bị bỏ quên không được hướng dẫn chỉnh sửa phát âm kịp thời và đúng phương pháp thì sẽ dẫn đến tình trạng trẻ quen với tật phát âm sai. Mà khi đã định hình trong ngôn ngữ thì rất khó sửa chữa. Việc hỗ trợ chỉnh chữa lỗi phát âm không thể không gắn liền với giáo dục ngôn ngữ như mở rộng vốn từ, rèn luyện việc sử dụng từ, câu, ngôn bản… Vì thế giáo dục ngôn ngữ cũng không thể bỏ qua với các đối tượng này.
Trong khi đó, bác sĩ Lê Tường Giao, Trưởng khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng (Bệnh viện Nhi đồng 1), đã giới thiệu một quy trình chăm sóc cụ thể theo mô hình từ tư vấn tiền sản đến can thiệp bú – nuốt với bình sữa đặc biệt và can thiệp chỉnh âm sau phẫu thuật. “Những trẻ bị hở môi sau phẫu thuật nếu được can thiệp chỉnh âm kịp thời đều có kết quả phát âm tốt, các em học bình thường như các trẻ khác”, bác sĩ Lê Tường Giao cho biết.
Điều trị toàn diện, liên tục, lâu dài
“Những trẻ bị hở môi sau phẫu thuật nếu được can thiệp chỉnh âm kịp thời đều có kết quả phát âm tốt, các em học bình thường như các trẻ khác”, bác sĩ Lê Tường Giao, Trưởng khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng (Bệnh viện Nhi đồng 1), cho biết.
|
Tại hội thảo, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng – Hàm – Mặt (Bệnh viện Nhi đồng 1), cung cấp một bức tranh khá toàn diện và chi tiết về tật hở môi ở trẻ. Trong bức tranh đó có nhiều “đường nét” chi tiết như nguyên nhân sinh bệnh đến các loại dị tật hở môi… Trên cơ sở đó đề ra phương pháp cũng như tiêu chuẩn chung để phẫu thuật và các ảnh hưởng của dị tật đối với ngôn ngữ sau này. Theo lời khuyên của bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, chúng ta cần có cách điều trị mới cho phù hợp. Đó là cách điều trị đảm bảo các tiêu chí như toàn diện, liên tục, lâu dài (có phối hợp đa ngành) khi trẻ còn trong bào thai cho đến lúc trưởng thành. Do liên đới nhiều về kỹ thuật chuyên môn nên trong quá trình điều trị hơn ai hết bác sĩ răng – hàm – mặt đóng vai trò chủ động và xuyên suốt.
Tương tự, bác sĩ Hà Thị Kim Yến (Bệnh viện Nhi đồng 1) đã chứng minh một thực tế cần suy nghĩ. Đó là hiện nay số trẻ đến trị liệu âm ngữ sau phẫu thuật vá hở môi thấp hơn nhiều so với số trẻ được phẫu thuật. Vì thế khó có thể đánh giá hết khả năng phát triển ngôn ngữ của những trẻ này, đặc biệt trong môi trường học đường.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Nhu cầu ngày càng tăng
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, âm ngữ trị liệu là một chuyên ngành vô cùng mới mẻ. Hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có mã ngành nghề và vẫn chưa có trường ĐH nào đào tạo hệ chính quy chuyên ngành này. Tuy vậy nhu cầu của người bệnh và của xã hội ngày càng tăng dần. Với sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã mở hai khóa đào tạo âm ngữ trị liệu sau ĐH (2010-2012 và 2012-2014) với 33 học viên. Tất cả học viên đã trở lại cơ quan công tác, từ đó bệnh nhân hạnh phúc hơn khi được chăm sóc, điều trị một cách toàn diện và có hiệu quả tốt.
|
Bình luận (0)