Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trẻ bị rối loạn cảm xúc: Hậu quả khôn lường!

Tạp Chí Giáo Dục

Một học sinh lớp 9 ở huyện Củ Chi (TP.HCM) vừa bị tòa án tuyên phạt 5 năm tù về tội "giết người". Thật đau lòng! Cha mẹ, người thân của bị cáo mặt còn "búng ra sữa" này đau đã đành. Tin rằng, tất cả những người từng và đang nuôi con, khi nghe chuyện cũng không khỏi xót xa…

Nguyên nhân dẫn đến án mạng, theo hồ sơ vụ án, trong thời gian học cùng với nạn nhân, bị cáo thường xuyên bị nạn nhân bắt nạt, ức hiếp và vô cớ đánh đập nhiều lần. Thủ sẵn dao trong người với mục đích dọa lại bạn nếu tiếp tục bị gây sự, nhưng hành vi của bị cáo thì đã đi quá ý định "phòng thủ". Vì thế nên nỗi!
Sự chăm sóc về mặt vật chất cần phải đi đôi với sự quan tâm đến cuộc sống tinh thần mới có thể giúp trẻ hướng đến một tương lai tốt đẹp – Ảnh: Cẩm Thúy
Người viết từng được nghe một câu chuyện có diễn biến tương tự từ trung tâm tư vấn tâm lý: Một bà mẹ dẫn con gái – cũng là một học sinh (THPT) – đến trung tâm với mục đích "chữa" stress cho con. Phụ huynh cho biết trong khoảng thời gian nửa năm gần đây, cô bé có biểu hiện không thích giao tiếp, ngay cả với cha mẹ, anh em; thường tỏ ra hằn học một cách vô cớ; học hành sa sút…
Chia sẻ với chuyên gia tâm lý, cô bé kể: cô có một người bạn gái thân từ hồi học lớp 8, hai đứa đã từng như hình với bóng trong suốt gần 2 năm học. Tuy nhiên, đến cuối năm lớp 9, bạn cô bỗng nhiên thay đổi, học hành chểnh mảng, hay bỏ học để giao du với một nhóm, trong đó có cả bạn cùng trường và bạn ở bên ngoài. Cô nhiều lần khuyên can nhưng bạn không nghe, từ đó hai người dần xa nhau. Vào THPT, tình cờ họ vẫn học chung. Nhưng thật bất ngờ, ngay từ đầu năm học, người bạn thân cũ đã có biểu hiện kéo bè phái để cô lập cô. Mọi cố gắng hàn gắn của cô đều vô ích. Cô cảm thấy chán nản vô cùng. Thêm vào đó lại chịu áp lực từ sự soi mói, ghẻ lạnh của bạn bè. Cô bắt đầu nhìn nhận người bạn cũ như một kẻ thù. Và nỗi hận thù ngày càng lớn khi đám bạn không chỉ cô lập cô mà từng kiếm cớ hạ nhục cô, thậm chí đánh cô trước bạn bè khác.
Ngồi trước chuyên gia tư vấn, cô học trò THPT không giấu được cảm xúc của mình: hai tay nắm chặt, mặt đỏ bừng, giọng mất bình tĩnh: "Con phải trả thù nó!". Hỏi: "Con trả thù bằng cách nào?" – "Con không biết, nhưng con sẽ trả thù!".
Chuyên gia tư vấn hỏi cô bé sao không phản ảnh sự việc với cha mẹ hay nhà trường, cô bé cho biết mẹ cô đã từng gặp người bạn kia để đề nghị "đừng để ý" đến cô nữa, nhưng ngay buổi học hôm sau cô đã nhận một cái tát từ một người (ở ngoài trường) thuộc nhóm bạn kia, với lời "cảnh cáo": "Đồ hèn!". Hy vọng sự can thiệp từ gia đình tiêu tan, cô tìm đến giáo viên chủ nhiệm nhưng cũng thất bại, vì: "Cô giáo rất ít giờ ở lớp nên không biết hết chuyện. Mà khi cô mời đối chứng, nó cãi bay cãi biến những điều con trình bày nên cô giáo cũng… "bó tay"!".
Chuyên gia tư vấn cho biết, với vết thương tinh thần trầm trọng như vậy, chỉ một giờ đồng hồ không thể tác động gì được ngoài việc để cho cô bé được giãi bày. Điều đáng nói là ở cách xử sự (thể hiện nhận thức về vấn đề này) của phụ huynh. Mẹ cô bé, khi con vừa ra khỏi phòng tư vấn đã vồn vã: "Sao con, sao con, có thấy đỡ chút nào không?" (!?).
Hai trường hợp trên có thể chưa phải là đại diện cho thực tế cuộc sống, nhưng có thể xem là điển hình của việc thiếu sâu sát của cả gia đình và nhà trường đối với diễn biến tâm lý ở trẻ.
Bị cáo của án phạt 5 năm tù, theo hồ sơ vụ án, không phải là một đứa trẻ hư, ngược lại đã có nhiều thành tích trong học tập cũng như hoạt động của nhà trường; việc bị bắt nạt, ức hiếp đã diễn ra trong một thời gian dài. Như thế có thể hiểu, hành vi gây án của em, mặc dù phương tiện đã được chuẩn bị trước, không thuộc ý đồ mà là một sự quá khích do yếu tố tâm lý tác động. Sự xấu hổ khi bị đánh trước mặt bạn bè, cộng với nỗi sợ sẽ bị đánh tiếp (do nạn nhân dọa sẽ kêu "chiến hữu" đến đánh tiếp) đã thôi thúc em "ra tay" trước. Lúc ấy, chắc chắn em không có thời gian để nghĩ đến hậu quả việc làm của mình, mà chỉ hành động theo sự "dẫn dắt" của tâm lý bị dồn nén.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt cho biết: "Bạo lực học đường ngày nay đã làm cho nhân cách các em học sinh bị ảnh hưởng rất nhiều, môi trường giáo dục đã bị một số thành phần học sinh làm cho ô nhiễm. Từ một hoàn cảnh gia đình bất hạnh hay một lối giáo dục gia đình sai lầm, tạo nên những học sinh đập phá, ngông cuồng theo kiểu “đại ca, đại bàng” và những cuộc thanh trừng vô lý đã diễn ra trong trường học. Trong tình hình đó, các em phải có được nền tảng giáo dục gia đình vững chắc, được định hướng để nhận thức vấn đề đúng đắn và có bản lĩnh, mới có thể có giải pháp sáng suốt giải quyết vấn đề mà không phạm sai lầm theo kiểu “tự xử” với nhau như câu chuyện đáng tiếc kể trên".
Trường hợp trong câu chuyện thứ hai cũng tương tự. Nếu ngay từ khi có sự “bất thường” trong quan hệ với người bạn gái đó, cô bé được cha mẹ hoặc chuyên gia tư vấn giúp em nhận thức rõ về tình trạng của em, nhận diện người bạn của mình để có thể đối mặt với khó khăn thì đâu đến nỗi sa vào tình trạng lệch lạc trong nhận thức về cuộc đời và niềm tin như thế. Ngoài ra, nếu cũng ngay từ đầu, gia đình và nhà trường, cụ thể là mẹ và cô chủ nhiệm có sự phối hợp tìm hiểu và can thiệp thì cũng đâu đến nỗi em phải chịu cảnh bị cô lập, đe dọa, ức hiếp cả một thời gian dài để trong lòng mang đầy thù hận như vậy.
Theo bà Tâm, nhân vật chính trong hai câu chuyện trên là những trường hợp bị rối loạn cảm xúc, một đã xảy ra hậu quả (đâm chết bạn) còn một – “ai biết được điều gì sẽ xảy ra khi em cũng không kiểm soát được hành vi của mình”.
Nhà chuyên môn cho biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn cảm xúc ở trẻ là tình trạng bị ức chế tâm lý trong một thời gian dài. Khi trẻ không được chia sẻ tâm tư hoặc những khúc mắc của bản thân trong học hành cũng như trong các mối quan hệ, một mình tự tìm cách đối phó với khó khăn sẽ khó tránh khỏi nhận thức lệch lạc. Vì ở lứa tuổi chưa trưởng thành, làm sao các em đã có đủ kiến thức cũng như những trải nghiệm cuộc sống để có thể có cái nhìn đúng đắn về một hiện tượng xã hội. Và, khoảng cách giữa nhận thức lệch lạc với hành vi đáng tiếc, sai lầm chỉ là gang tấc…
Không phải chỉ vì hai câu chuyện trên, và cũng không phải cho đến tận bây giờ vấn đề quan tâm đến sự phát triển, diễn biến tâm lý ở trẻ, đặc biệt ở là lứa tuổi vị thành niên, mới được đặt ra. Tuy nhiên, tầm quan trọng của nó vẫn chưa được nhận thức đúng mức. Đây cần được xem là trách nhiệm của gia đình và nhà trường – nơi là môi trường và có những người đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển nhân cách của trẻ.
Phương Thanh (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)