Một bệnh nhi đang được các bác sĩ điều trị răng sâu tại Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt TP.HCM
|
Thấy trẻ bị sâu răng, nhiều bậc phụ huynhtự chữa sâu răng theo cách dân gian bằng các loại thảo dược, thậm chí nhiều bà mẹ xem nhẹ vì cho đó là răng sữa, còn lần thay răng sau nên không đưa con đến bệnh viện can thiệp điều trị. Tuy nhiên, diễn tiến về sau của răng sâu sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, sự phát triển thể lực cũng như trí tuệ của trẻ.
Thuốc dân gian… chỉ cầm chừng
Những ngày này, bạn bè đang tập trung ôn thi thì em Đặng Hoàng Trung (13 tuổi – Bình Dương) phải ngắt quãng việc học, đi về Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt TP.HCM điều trị 3 chiếc răng hàm sâu đang hoành hành. Răng của Trung có dấu hiệu sâu từ hai năm trước, ba mẹ cũng đưa Trung đi khám, lấy tủy để trám giữ lấy răng, xong nghe nói đến lấy tủy, Trung sợ nên nhất quyết không làm. Chị Loan, mẹ Trung khuyên nhủ mọi cách cũng không lay chuyển nên chị đành chấp nhận để vậy. Mỗi lần Trung kêu đau răng, chị Loan lấy lá hẹ giã rồi đắp vào răng sâu. Việc làm này giúp cơn đau của Trung giảm nhiều nhưng sau hơn 1 năm, 3 răng của Trung sâu hoàn toàn. Những cơn nhức răng khiến Trung không tập trung vào việc học, thậm chí Trung còn luôn sốt vì đau răng và sút ký rất nhanh. Lúc này phải nhờ bác sĩ can thiệp, điều trị tủy để trám răng, nhưng Trung chỉ giữ lại được 2 chiếc và phải nhổ bỏ chiếc răng số 6 vì chỉ còn lại mỗi chân răng, mất khả năng nhai.
Trường hợp bé Nguyễn Hồng Vân (3,5 tuổi – Đăk Lăk) được mẹ nhập Viện Răng – Hàm – Mặt TP.HCM trong tình trạng viêm nướu, suy dinh dưỡng, răng cửa siết đến lợi.
Trước khi đến bệnh viện, lợi bé Vân thường bị sưng to, tấy đỏ mỗi buổi sáng thức dậy. Có người mách nước, lấy ngũ bội tử, sấy khô, tán nhuyễn trộn phèn xát lên răng bị siết sẽ giảm siết, bớt sưng lợi. Chị Hà – mẹ bé Vân cũng đã từng làm nhiều lần, sau mỗi lần làm, lợi của bé Vân cũng thuyên giảm sưng rõ rệt. Song lần này, sau nhiều lần đắp ngũ bội tử, lợi không hết sưng ngược lại lợi sưng to hơn, thường xuyên chảy máu. Nguyên nhân cách đây 1 năm, răng bé Vân từ màu vàng rồi chuyển dần sang đen và toàn bộ răng của Vân bị siết đến lợi. Thiết nghĩ do răng sữa, trước sau cũng thay răng, thế nên, chị Hà không đưa con đi khám, điều trị và vẫn thường dùng ngũ bội tử chữa trị. Mỗi lần sưng, đau bé Vân lại sốt, quấy khóc, không ăn, người gầy đi. Đưa con đến bệnh viện, bác sĩ bắt buộc phải nhổ những chiếc răng bị siết để tránh ảnh hưởng đến lợi, mặc dù việc nhổ răng sớm như vậy không tốt về mặt thẩm mĩ cung răng và khuôn mặt.
Phòng bệnh còn hơn tự chữa bệnh
Hầu hết trẻ khi được đưa đến bệnh viện khám, điều trị về răng phần lớn răng đã bị lung lay, không còn tác dụng để nhai do sâu răng đã phá hủy hoặc do siết răng. Nguyên nhân hầu hết rơi vào trường hợp chị Hà mẹ bé Vân và chị Loan mẹ bé Trung, xem thường hoặc không để ý đến vai trò của răng sữa, cho rằng trẻ sẽ còn phải thay răng, để rồi tự chữa răng cho con bằng lá hẹ, ngũ bội tử. “Trên thực tế, lá hẹ, ngũ bội tử cũng là vị thuốc để chữa sâu răng. Có thể, lấy hẹ giã nhuyễn sau đó, đắp liên tục lên răng cho đến khi khỏi, song lá hẹ, ngũ bội tử chỉ có tác dụng giảm đau, kháng viêm trong trường hợp viêm nướu nhẹ chứ không có tác dụng chữa khỏi hẳn bệnh sâu răng” – bác sĩ Nguyễn Thị Mai Phương – Trưởng khoa Răng trẻ em, BV Răng – Hàm – Mặt TP.HCM cho biết.
Bác sĩ Mai Phương chia sẻ thêm: “Răng sữa giúp trẻ ăn nhai, khởi đầu cho sự tiêu hóa, hấp thụ thức ăn, nhờ đó, trẻ phát triển thể lực và trí tuệ. Việc nhai còn giúp cơ mặt và xương hàm phát triển, giúp định hướng cho răng mọc lên vĩnh viễn và mọc đúng chỗ. Nhổ răng sữa trước tuổi hoặc nhổ bỏ răng hàm (răng vĩnh viễn) trước tuổi khiến khả năng nhai của hàm kém phát triển, phát âm không chuẩn, hàm răng bị xô lệch ảnh hưởng đến thẩm mỹ về cung răng và khuôn mặt trẻ sau này. Chính vì thế, khi thấy răng của trẻ có dấu hiệu đốm trắng đục, đốm màu nâu vàng hay có đốm đen hoặc có lỗ sâu, răng dễ bị mủn, vỡ, nướu bị sưng đỏ, chảy máu nướu, không nên tự điều trị mà nên cho trẻ đến các trung tâm y tế khám, tư vấn chữa trị để giữ lại răng cho trẻ…”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Nhằm hạn chế bệnh sâu răng ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh nên hạn chế thói quen cho trẻ bú bình trước khi đi ngủ cũng như ăn các đồ ngọt. Hướng dẫn cho trẻ nên đánh răng, làm sạch răng trước khi đi ngủ. Răng sâu chính là các ổ nhiễm khuẩn, là nguyên nhân gián tiếp gây nên các bệnh hô hấp, khớp, tim mạch hay viêm xoang. Nếu răng của trẻ mới nhú, nên làm sạch bằng gạc mềm cho trẻ” – bác sĩ Mai Phương khuyến cáo.
|
Bình luận (0)