Thống kê tại BV Nhi đồng 1, cứ vào thời điểm cận Tết thì số trẻ bị tai nạn sinh hoạt nhập viện càng tăng. Có những ngày, BV tiếp nhận tới 10 trường hợp. Không ít trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, nguy cơ để lại nhiều di chứng…
Bé Phạm Đặng Hoàng C. (6 tuổi) bị phỏng nặng ở vùng mặt do dùng chai keo xịt tóc xịt vào bếp than
Nhập viện trong tình trạng nặng
Mới đây, bé trai H.A.H (18 tháng tuổi) được cha mẹ đưa đến BV Nhi đồng 1 cấp cứu trong tình trạng bị phỏng nặng. Tại đây, các BS cho biết, bé bị phỏng độ 2, diện tích phỏng chủ yếu ở vùng mặt, đầu, ngực.
Sau khi được cấp cứu, bé được chuyển đến Khoa Phỏng – Tạo hình để tiếp tục điều trị. Hơn 1 tuần điều trị, những tổn thương của bé H. đã thuyên giảm, tuy nhiên những vết phỏng sâu vẫn tiếp tục phải điều trị.
Ngồi bên cạnh con còn băng kín vùng đầu, mặt, cổ và hai tay, ba của bé H. là anh Hà Minh Hiếu (34 tuổi, Q.10) kể: “Hôm ấy, tôi lấy bình thủy để pha sữa cho con uống. Khi thấy tôi đi, bé đi chập chững theo sau. Tôi vừa cầm bình thủy lên toan mở nắp thì bất ngờ nghe tiếng nổ lớn phát ra từ chiếc bình, nước nóng trong bình ụp xuống người bé đang đứng bám ở cạnh bàn. Tôi ôm con đến vòi nước để dội cho cháu rồi cấp tốc đưa vào BV…”.
Cũng tại Khoa Phỏng – Tạo hình, bé Phạm Đặng Hoàng C. (6 tuổi, TP.HCM) đang được các BS tích cực điều trị.
BS Diệp Quế Trinh – Khoa Phỏng – Tạo hình – cho biết, bệnh nhi C. là nạn nhân của một tai nạn sinh hoạt khá hy hữu. Cách đây khoảng vài ngày, bé cầm một chai keo xịt tóc đã hết hóa chất ở bên trong để chơi. Trong quá trình chơi đùa bé xịt vào bếp than được gia đình sử dụng để nướng thịt trước đó. Than đã được dập tắt bằng nước, tuy nhiên chưa được tắt hoàn toàn nên lửa bùng lên. Do bé đứng cạnh bếp than nên lửa táp vào mặt và hai tay khiến bé bị phỏng nặng. C. nhập viện trong tình trạng phỏng nặng chủ yếu vùng mặt – mặt sưng, tuột da, phỏng độ 2, độ 3, diện tích 7,5%.
“Mức độ phỏng của C. ở mức trung bình, tuy nhiên có những vùng phỏng độ sâu độ 3. Nếu không được xử lý tốt nguy cơ để lại sẹo xấu ở vùng mặt là rất lớn. Do đó, các BS đang nỗ lực sử dụng những phương pháp tốt nhất để điều trị cho bé. Trong thời gian tới bé cần được theo dõi và điều trị thêm, ngoài ra sau khi vết thương đã lành bé cần được hỗ trợ vật lý trị liệu, kem chống sẹo, laser trị liệu sẹo để hạn chế tối đa sẹo xấu ở vùng mặt”, BS Trinh cho biết thêm.
1 ngày tiếp nhận từ vài đến hơn 10 trường hợp
Không chỉ tại Khoa Phỏng – Tạo hình, mỗi ngày tại Phòng khám ngoại BV Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn sinh hoạt.
Với cánh tay trái được băng bó cẩn thận, Nguyễn Đức Lâm (12 tuổi, HS lớp 6 tại một trường THCS trên địa bàn Q.Tân Bình) đang chờ tới lượt khám. Trước đó, ngày 8-1 trong lúc chơi đùa ở trường, em bị một bạn cùng lớp xô té mạnh xuống nền bê tông, bị đau nhiều ở cánh tay. Khi về nhà, mẹ của Lâm là chị Hồ Thị Bé (37 tuổi) thấy con kêu đau nên đưa con đến phòng khám gần nhà, sau đó được chuyển đến BV Nhi đồng 1. Tại đây, các kết quả chụp chiếu cho thấy Lâm bị gãy di lịch trên hai lồi cầu xương tay trái, tình trạng khá nặng.
BS Nguyễn Tiến – Phòng khám Ngoại – cho biết: “Tình trạng của Lâm khá nặng. Đối với trường hợp này, trước hết chúng tôi sẽ dùng biện pháp nắn xương, nếu không phải áp dụng bằng phương pháp mổ và bắn đinh cố định xương, 6 tuần sau bệnh nhi mới được rút đinh. Sau đó, bệnh nhi phải được tập vật lý trị liệu nếu không cánh tay sẽ có nguy cơ bị tàn tật suốt đời, khó có thể vận động trở lại”.
Cũng theo BS Tiến, thời gian gần đây, mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 4 đến 10 trẻ nhập viện do tai nạn như phỏng do nổ bình thủy, nổ bình gas mini, phỏng do điện, té lầu dẫn đến gãy tay, chân… Có nhiều trẻ bị tai nạn phỏng trong quá trình tự chế mì tôm, hoặc ăn uống ngoài tiệm bất cẩn đổ đồ nóng lên người. Thậm chí khi mẹ pha nước nóng để tắm trẻ, chưa kịp đổ nước lạnh thì trẻ đã múc nước nóng dội lên người gây phỏng. Trẻ bị tai nạn phần lớn trong độ tuổi từ 2 đến 10…
Theo đó, BS Tiến khuyến cáo: “Đối với những trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ không nên chủ quan, không nên để trẻ tự chế mì tôm, tự phục vụ ăn uống, đặc biệt là thức ăn nóng. Ngoài ra, cha mẹ không nên để những vật dụng dễ gây phỏng như bình thủy, ổ điện ở gần tầm với của trẻ, nên để ở khu vực cao và cố định tránh tình trạng rơi vỡ gây thương tích cho trẻ. Cha mẹ cũng nên quan tâm đến hoạt động vui chơi của con, không nên cho con chơi những trò chơi mạo hiểm, vận động quá nhiều phòng ngừa trường hợp té mạnh dẫn đến gãy xương và tổn thương các bộ phận quan trọng trong cơ thể…”.
Hoài Thương
Bình luận (0)