Ông Đặng Hoa Nam, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em đã cho biết tại cuộc hội thảo định hướng công tác truyền thông thực hiện Quyết định 19/2004/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị XHTD và trẻ phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại nguy hiểm giai đoạn 2004 – 2010.
Theo báo cáo của Cục, hoạt động truyền thông trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả. Xâm hại, bạo lực đối với trẻ em được sự quan tâm, ưu tiên phản ánh và đấu tranh mạnh mẽ của nhiều phương tiện tuyền thông đại chúng, từ đó đã có sự thay đổi về nhận thức và trách nhiệm đối với vấn đề này.
Từ chỗ xâm hại, bạo lực đối với trẻ em là vấn đề nhạy cảm của mỗi gia đình, cộng đồng, địa phương nay đã là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Nhiều người mạnh dạn lên tiếng tố cáo trước các vụ việc xâm hại, ngược đãi trẻ em. Người dân cũng thấy được tác hại của việc để trẻ em đi lang thang kiếm sống và phải lao động nặng nhọc và nguy hiểm, một trong những nguy cơ khiến các em bị xâm hại.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình trẻ em bị xâm hại, bạo lực với nhận thức, kiến thức về pháp luật, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa xâm hại, bạo lực cho trẻ em của người dân, gia đình. Do đó, nhiều hành vi phân biệt đối xử, bóc lột hay ngược đãi trẻ vẫn chỉ được coi là việc riêng, chậm phát hiện tố cáo, xử lý.
Chẳng hạn như hành vi khiêu dâm, theo quy định của pháp luật Việt Nam đã đủ yếu tố khép vào tội hình sự nhưng không phải ai cũng nhận ra. Nhiều gia đình có trẻ bị XHTD thường chỉ quan tâm đến khiếu kiện mà quên đi việc phải chăm sóc, giúp trẻ thoát khỏi những ám ảnh đã xảy ra với trẻ.
Đối với trẻ bị bóc lột sức lao động chủ yếu xảy ra trong các cơ sở dịch vụ tư nhân, đây là vấn đề rất phức tạp trong khi ảnh hưởng của nó có thể vượt qua ra khỏi lãnh thổ. Ông Nam cho biết, việc sử dụng lao động trẻ em rất dễ bị lợi dụng nhằm tẩy chay các mặt hàng “nhạy cảm” khi xuất khẩu.
Do đó, ngoài việc nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các cấp, các ngành, cộng đồng và người dân, các phương tiện truyền thông đại chúng cần liên tục cập nhật các chính sách, pháp luật về bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, đồng thời nhân rộng những địa phương, mô hình làm tốt để cả xã hội cùng chung sức giúp đỡ trẻ em Việt Nam.
Lan Hương (dantri.com.vn)
Bình luận (0)