BS. Văn Công Viên – Phó Trưởng khoa Khám Viện y dược học dân tộc TP.HCM cho biết, sau 2 năm chuyển giao phương pháp từ BV Châm cứu TW, châm cứu và cấy chỉ đã có những hiệu quả tích cực trong việc điều trị chứng tự kỷ ở trẻ nhỏ.
Ê-kíp BS. Văn Công Viên châm cứu cho bé Nguyễn Minh Khang |
Những tia hy vọng từ châm cứu
Tại phòng châm cứu và cấy chỉ của Viện y dược học dân tộc TP.HCM hầu như ngày nào cũng có những cặp vợ chồng đưa con tới đây để điều trị. Dù đã 4 – 5 tuổi nhưng nhiều cháu vẫn được cha mẹ cõng, ẵm trên tay như những đứa trẻ vừa qua tuổi thôi nôi. Không chỉ ngại tiếp xúc với mọi người, hầu hết các bé đều chậm nói do rối loạn ngôn ngữ trông thật đáng thương. Mới bước vào phòng, bé Nguyễn Minh Khang (SN 2012) đã kéo tay mẹ ra vì không chịu đi tiếp. Thế nhưng, sau một hồi “dụ dỗ”, người mẹ 40 tuổi mấy ngày vất vả từ xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang lên đây mới đưa đứa con trai 5 tuổi vào phòng để nằm lên bàn châm cứu. Dù lúc đầu khó chịu nhưng sau vài mũi tiêm đâm vào phần lưng, bé Khang có vẻ nghe lời của điều dưỡng nằm im lặng cho BS. Viên thực hiện công việc. Theo lời kể của chị V., mẹ bé Khang, không giống như mấy trẻ cùng lứa gần 3 tuổi mà Khang nhút nhát hơn, ít nói không muốn trò chuyện với người xung quanh. Biết là cháu mang bệnh nên 2 vợ chồng tìm cách đi chữa nhiều nơi nhưng cũng không ăn thua thế nhưng sau mấy tháng châm cứu ở Viện y dược học TP.HCM cháu đã có những chuyển biến tốt. “Tuy đi lại mất công, cực khổ và tốn kém nhưng vợ chồng tôi vui và đỡ lo vì cháu đã mạnh dạn hơn, nói rất rõ và không còn nhát như trước”.
Trong khi đó, bé Nguyễn Thành Nhân (SN 2004) lại rất hiếu động khi ngồi ở phòng chờ, hết leo lên ghế rồi lại xô ba đi chỗ khác. Đến lúc được mẹ ôm vào lòng mà bé cũng không chịu yên. Từng đi học ở một vài trung tâm chuyên biệt dạy trẻ tự kỷ và điều trị tây y nhưng bé cũng không kìm hãm được sự tăng động hàng ngày. Nghe lời giới thiệu của người quen, vợ chồng anh Nhàn đưa cháu từ Long An lên đây để chữa trị theo y học cổ truyền bằng phương pháp châm cứu.
Khó hiệu quả nếu thiếu kiên trì
Tuy không thể chữa khỏi bệnh tự kỷ một cách hoàn toàn nhưng các BS đều khẳng định với việc sử dụng các phương pháp y học cổ truyền có thể hỗ trợ điều trị tự kỷ theo khuynh hướng cải thiện các triệu chứng. Và thực tế đã cho thấy điều đó, nhiều em bé khi tới viện khó ngủ, không biết làm gì dù được mọi người chỉ dạy. Thế nhưng sau một thời gian dài điều trị, bé đã có thể sắp xếp đồ đạc theo như người nhà hướng dẫn, khả năng tập trung và nghe lời của bé trở nên tốt hơn. Châm cứu không chấm dứt nhưng hạn chế và khắc phục cải thiện dần chứng tự kỷ ở trẻ. |
BS. Viên giải thích, khi các huyệt vị được tác động bằng phương pháp điện châm, thủy châm, cấy chỉ, châm cứu, xoa bóp sẽ giúp cho tinh thần, bổ dưỡng khí huyết, thanh nhiệt, giúp lưu thông máu lên não tốt hơn, cân bằng âm dương. Ngoài ra, những phương pháp này sẽ giải quyết và làm cải thiện những triệu chứng như bứt rứt, mất ngủ, thiếu tập trung, giảm chú ý của trẻ. Là người trực tiếp điều trị cho các bé, BS. Viên lý giải thêm, tùy vào bệnh lý của mỗi bé sẽ có hướng chữa trị khác nhau. Đối với những bé ở thể tăng động thì việc châm cứu bất khả thi cho nên chỉ có thể sử dụng cấy chỉ. Với phương pháp này, kim đưa vào sẽ được rút ra ngay sau đó cho nên dù bé có chạy nhảy cũng không ảnh hưởng. Còn đối với bé bị rối loạn ngôn ngữ sẽ sử dụng châm cứu. Tuy không thể chữa khỏi bệnh tự kỷ một cách hoàn toàn nhưng các BS đều khẳng định với việc sử dụng các phương pháp y học cổ truyền có thể hỗ trợ điều trị tự kỷ theo khuynh hướng cải thiện các triệu chứng. Và thực tế đã cho thấy điều đó, nhiều em bé khi tới viện khó ngủ, không biết làm gì dù được mọi người chỉ dạy. Thế nhưng sau một thời gian dài điều trị, bé đã có thể sắp xếp đồ đạc theo như người nhà hướng dẫn, khả năng tập trung và nghe lời của bé trở nên tốt hơn. Châm cứu không chấm dứt nhưng hạn chế và khắc phục cải thiện dần chứng tự kỷ ở trẻ.
Có thể nói châm cứu chỉ là biện pháp hỗ trợ điều trị trẻ tự kỷ, vì thế gia đình vẫn đóng một vai trò quan trọng nhất. Hãy là bạn của bé, cha mẹ cần nói chuyện với trẻ hằng ngày, mọi lúc mọi nơi, hãy luôn ở bên con nếu có thể để có thể dạy trẻ các kỹ năng về giao tiếp, chấn chỉnh hành vi của trẻ. Đặc biệt, việc chữa trị căn bệnh này đòi hỏi thời gian dài, vì thế cần có sự hợp tác và sự kiên trì, nhẫn nại của gia đình các bé. Bé không chỉ cần sự chăm sóc mà còn cần cả sự cảm thông, chia sẻ và đặc biệt là tình thương yêu của cha mẹ, thầy thuốc và xã hội khi bị khiếm khuyết về sức khỏe.
Theo BS. Nguyễn Quốc Văn – Trưởng khoa Điều trị tự kỷ ( BV Châm cứu TW), phương pháp châm cứu có hiệu quả cao nhất đối với trẻ dưới ba tuổi, đặc biệt với trẻ khoảng 20 tháng vì đây là thời gian vàng để điều trị cho trẻ tự kỷ. Còn đối với trẻ trên sáu tuổi mới bắt đầu can thiệp thì tỷ lệ hòa nhập, đi học được rất thấp, càng lớn các bé càng ít có khả năng hòa nhập với cộng đồng. Không ít trẻ “sống chung” với tự kỷ do cha mẹ thiếu kiên trì, mau nản chí. “Do đó, phụ huynh cần chú ý theo dõi, phát hiện sớm các biểu hiện tự kỷ ở trẻ để có thể can thiệp kịp thời. Nếu phát hiện muộn thì điều trị sẽ kéo dài và hiệu quả không đạt theo ý muốn” – BS. Viên khuyến cáo!
Bài, ảnh: Nguyễn Phương Đăng
Bình luận (0)