Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trẻ cần được dạy tư duy phản biện

Tạp Chí Giáo Dục

Một học sinh xung phong đặt câu hỏi sau một câu chuyện về Bác Hồ trong Ngày hội “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Trường TH Khai Minh (quận 1, TP.HCM) tổ chức. Ảnh: B.Vân

Giáo dục của ta lâu nay gần như theo một chiều, hiểu theo nhiều cách: chỉ nói có một chiều (đúng hoặc sai, khó chấp nhận sự tồn tại song song các mặt đối lập), từ trên xuống (nhất là từ giáo viên đến học sinh)…

Điều đó khiến học sinh tiếp thu thụ động và dễ mắc phải sự giáo điều. Trong khi thực tiễn luôn sinh động, thường đan xen nhau, nên giáo dục cũng có trách nhiệm dạy cho trẻ cách thức, năng lực tư duy để nhận ra điều đó.

Nhớ lại, đề thi tốt nghiệp THPT môn văn năm học 2010-2011 có câu: “Trình bày suy nghĩ về ý kiến: Trước nhiều ngả đường đi đến tương lai, chỉ có chính bạn mới lựa chọn được con đường đi đúng cho mình”. Đáp án chính thức của Bộ GD-ĐT công bố sau đó một mặt đề cao vai trò chủ động, quyết định của bản thân về việc chọn lối đi cho mình thì cũng cần quan tâm mặt trái của sự tự quyết “do bản thân chưa có đủ kinh nghiệm nên sự giúp đỡ, tư vấn của gia đình, nhà trường và những người đi trước là cần thiết”. Nhiều người nhận định câu hỏi mở này khá hay, không chỉ mở ra một hướng ra đề mới mà còn gợi mở nhiều suy nghĩ tích cực cho học sinh. Từ đề thi này, có thể rút ra một số kinh nghiệm về việc dạy trẻ.

Trên hết, tinh thần phản biện phải được thể hiện rõ nét trong nhà trường, nếu người thầy còn chưa được phản biện thì chắc chẳng thể dạy học trò phản biện!

Khi đưa đề văn: Hãy bình luận câu tục ngữ “Trăm hay không bằng tay quen” thì hẳn giáo viên sẽ chú trọng việc nhìn nhận vấn đề ở cả hai khía cạnh: “tay quen”, tức sự thuần thục, mà cũng đặt nặng sự thành thạo, có nhiều kinh nghiệm; đồng thời phải “lật ngược” vấn đề là không được xem nhẹ lý thuyết. Như vậy, câu tục ngữ có hàm ý chú trọng thực tiễn, nặng thực hành nhưng nếu chúng ta máy móc ứng dụng mà xem nhẹ cái hay, cái tiến bộ của lý thuyết, của những cái mới thì có thể sẽ trở nên trì trệ. Một đề văn như thế sẽ gợi cho học sinh sự nhìn nhận ở nhiều góc độ mà bản thân phải phản biện ngay nhận định ban đầu.

Có một thực tế là giáo viên trên lớp hay “đóng khung” kiến thức, lời thầy dễ trở thành “khuôn vàng thước ngọc” bởi ít có sự gợi mở suy nghĩ khác, ít tạo điều kiện cho học sinh trao đổi, tranh luận, phản biện. Lý do khách quan là thời gian hạn chế, áp lực thi cử nặng nề và cả quan niệm chung về giáo dục, về giảng dạy đã ăn sâu như thế. Nhưng về chủ quan, không nhiều giáo viên mạnh dạn cho phép học sinh “nói lại”, bởi như thế e rằng sẽ “tập” cho học sinh “ý kiến ý cò”, đôi khi gặp khó khăn trong việc giải thích, thuyết phục; đó là chưa kể e là bị “bắt giò” nếu kiến thức không vững, lập luận không chặt chẽ, thậm chí còn bị ghi âm, quay phim để công bố rộng rãi…

Để giúp trẻ có tư duy phản biện, trước hết phải tập cho các em được phát biểu ý kiến. Trên lớp, nên tổ chức các cuộc thảo luận, thuyết trình để học sinh rèn luyện thói quen và kỹ năng trình bày, thể hiện ý kiến. Trong các sinh hoạt của lớp, nên tạo điều kiện cho học sinh được bày tỏ suy nghĩ thay vì chỉ có nghe và chấp hành. Dĩ nhiên, quá trình đó phải hướng dẫn học sinh trình bày, lập luận, có thái độ ứng xử… như thế nào cho phù hợp, nhất là khi đối mặt với ý kiến phản đối hoặc ý kiến khác. Giáo viên cũng luôn trong tâm thế lắng nghe; chẳng hạn, ngay trong lúc giảng, học sinh có điều chưa hiểu hoặc học sinh phát hiện điều chưa đúng thì có thể hỏi lại ngay mà không hạn chế hoặc trách mắng học sinh. Sau khi kết thúc một bài giảng hoặc một vấn đề, giáo viên nên hỏi lại xem học sinh đã hiểu chưa, có ý kiến gì không. Khi học sinh đặt câu hỏi thì nên trả lời ngay, nếu cần thiết thì nên gợi mở để học sinh suy nghĩ thêm chứ không nên từ chối giải thích hoặc áp đặt suy nghĩ cho học sinh.

Trong các bài giảng, giáo viên nên gợi ra nhiều góc nhìn, từ việc cung cấp những kiến thức ở các góc độ khác nhau cho đến thể hiện các ý kiến khác nhau về một vấn đề nào đó, kể cả bày tỏ suy nghĩ của mình ở một góc nhìn khác (khác với sách giáo khoa, khác với ý kiến nhiều người…). Điều đó dần định hình cho trẻ cách nhìn đa chiều với một vấn đề, một sự kiện, một hiện tượng, thay vì chỉ có một phía.

Dĩ nhiên, không phải lúc nào trẻ phản biện cũng đúng. Phản biện phải trên một nền tảng kiến thức, nhận thức đúng đắn và bằng một phương pháp hợp lý. Nếu phản biện mà thiếu hiểu biết, bằng cách thức không phù hợp có thể trở thành “cãi chày cãi cối”, sẽ không tốt cho thói quen, sự phát triển của học sinh. Để rèn được thói quen và cách thức phản biện cho trẻ, giáo viên phải chuẩn bị bài giảng thật tốt, có kiến thức vững chắc, có thái độ ứng xử và phương pháp truyền đạt chuẩn mực. Tuyệt đối tránh thái độ “sửng cồ” hoặc “né” khi gặp những phản biện sốc hoặc khó xử.

Nguyễn Minh Hải

Bình luận (0)