Tòa soạnThư đi – tin lại

Trẻ chết đuối, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 13-6 vừa qua, hai em Trần Văn Linh và Nguyễn Thị Hải Yến (cùng sinh năm 2000) học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, xã Gia Canh, huyện Định Quán tỉnh Đồng Nai vào rẫy mía của người dân chơi và phát hiện một cái ao rộng khoảng 50m2 nên rủ nhau xuống tắm. Do nước sâu và không biết bơi nên hai em chết đuối ngay sau đó. Đây là trường hợp đau lòng về việc học sinh chết đuối mùa hè xảy ra gần nhất trong số rất nhiều vụ học sinh chết đuối trước đó. Cứ mỗi độ hè sang, các phương tiện thông tin đại chúng lại nhan nhản các tin tức về những trường hợp tai nạn chết đuối ở trẻ em. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như trẻ ham chơi nên bị trượt chân té xuống ao, sông, hồ; trẻ bị tai nạn do sử dụng các phương tiện di chuyển thiếu an toàn trên sông nước hay chỉ vì sự bất cẩn và thiếu trách nhiệm của người lớn. Bản thân tôi, cứ mỗi lần nghe thông tin trẻ chết đuối là cả ngày bần thần không làm việc gì được. Đọc bài Mùa hè, nguy cơ trẻ chết đuối cao trên Báo Giáo Dục TP.HCM số 990, tôi rất đồng tình với việc nên đưa môn bơi lội vào nhà trường. Theo Bộ GD-ĐT, từ năm 2010-2015, cả nước sẽ thí điểm cho cả nước mô hình dạy bơi trong trường tiểu học bằng những hình thức phù hợp với từng địa phương. Nhưng đến nay, vấn đề này vẫn chưa thực hiện khả thi. Theo tôi, bên cạnh việc dạy bơi trong nhà trường, nên có những website riêng dạy cho các em học bằng cách tư duy, học bằng trí khôn, làm một số bài tập cơ bản, các kỹ thuật bơi tự cứu. Để khi có sự cố rơi xuống nước thì các em biết cách ứng xử. Ông bà ta thường nói Phòng bệnh hơn chữa bệnh nên việc dạy bơi cho học sinh là rất cấp bách, nhưng chỉ là “chữa bệnh” chứ thực ra chưa phải là “phòng bệnh”. Nếu như trẻ con được giáo dục từ nhỏ, được cha mẹ nói là “chỗ này nguy hiểm, chỗ kia nguy hiểm, con đừng đi đến, sông nước nguy hiểm ra sao…” thì trẻ em được học trong tiềm thức, ngay từ nhỏ trẻ sẽ biết tránh những nơi nguy hiểm ra.
MINH HỮU (Q.Bình Thạnh – TP.HCM)

Bình luận (0)