Tập vật lý trị liệu thường xuyên sẽ hạn chế được bệnh THCS. Ảnh: P.D |
Cột sống là khung đỡ của toàn bộ cơ thể. Theo năm tháng, do ảnh hưởng từ môi trường, chế độ ăn uống, tư thế vận động, sinh hoạt, luyện tập và chịu sức nặng cơ thể mà cột sống bị yếu đi, lão hóa, từ đó dẫn đến thoái hóa cột sống (THCS). Nhiều người rất ám ảnh với chứng bệnh này bởi nó thường xuyên gây ra đau nhức làm ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống. Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với ThS.BS Nguyễn Đức Thành (Khoa Xương khớp BV Đại học Y dược TP.HCM) xoay quanh chứng bệnh này.
BS có thể cho biết đối tượng nào thường bị THCS?
Thông thường, bệnh này xuất hiện ở người có tuổi từ 35-40 trở lên. Nếu như ở nam giới, phần lớn bị THCS là do lao động nặng, chơi thể thao quá độ, thì nữ giới là do thiếu hụt canxi, hậu quả của việc mang thai, sinh nở mà không được bù đắp kịp thời và đầy đủ. Những người làm việc khuân vác nặng, ngồi nhiều, đứng nhiều… dễ bị bệnh hơn. Khảo sát đối tượng vận động viên cho thấy, vận động viên cử tạ bị THCS nhanh hơn do phải nhấc vật nặng, trọng lượng đè lên cột sống làm cột sống nhanh mòn và yếu đi.
Triệu chứng của bệnh này là gì, thưa BS?
Biểu hiện rõ rệt nhất là những cơn đau lưng xuất hiện thường xuyên, cảm giác khó chịu, dáng đi không bình thường, vẹo vọ hoặc lưng còng xuống… Nếu gặp phải hiện tượng như vậy, có thể bạn đã bị THCS. Nếu như đau lưng do bị thận hoặc một số bệnh khác thường diễn ra theo cơn, dữ dội, thì đau lưng do THCS lại thường âm ỉ ngày này qua tháng khác. Đau chủ yếu ở vùng thắt lưng và cổ, gáy. Cảm giác khó chịu kèm theo khiến bạn mất ăn, mất ngủ, gầy rộc đi, sức làm việc giảm sút, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống. Đôi khi có những cơn đau cấp tính khiến bạn cảm thấy nhói buốt, đau cả sang các vùng khác như vai, thần kinh tọa, đau hông và đùi đến mức không thể đi lại lâu được.
BS có thể tư vấn phương pháp nào để hạn chế bệnh THCS?
Có nhiều phương pháp được sử dụng hiện nay tại các bệnh viện là: Dùng thuốc, thủy châm, châm cứu, kéo giãn cột sống, vật lý trị liệu… Tất cả các phương pháp này đều phải được BS chuyên khoa thăm khám và chỉ định thực hiện. Những người lao động văn phòng nên ngồi tư thế đúng, phải có lưng ghế tựa và hơi nhô ra ngay thắt lưng, khi ngồi đầu gối hơi cao hơn háng một chút là tốt. Sau 45 phút đến một giờ, cần làm một số động tác thể dục nhẹ nhàng. Người buôn gánh bán bưng, khuân vác phải thận trọng, không làm việc quá mức.
Đối với trẻ, có phải phòng bệnh này ngay từ lúc nhỏ không, thưa BS?
Rất cần. Các bậc phụ huynh quan tâm đến con trẻ trong việc ăn uống sao cho đủ chất, học tập và chơi thể thao đúng mức. Ngày nay, những yếu tố dễ dẫn đến THCS sau này nếu không để ý từ khi còn bé là trẻ có thể ngồi hàng giờ chơi game trước màn hình vi tính, xem ti vi quá nhiều, ăn uống vô độ dẫn đến béo phì…
Có nhiều người cho rằng, bị THCS thì không nên ăn thức ăn chứa nhiều canxi, điều này đúng không, thưa BS ?
Quan niệm này hoàn toàn sai lầm, không có cơ sở khoa học bởi 90% canxi khi ăn vào đều được thải ra đường phân, chỉ có 10% là được hấp thụ. Ngoài ra, lượng canxi trong máu được kiểm soát rất chặt chẽ, không để tăng lên quá mức hoặc giảm quá mức. Điều này cho thấy, ăn nhiều canxi không ảnh hưởng, không làm bệnh THCS nặng hơn.
Thế thì bệnh THCS có thể chữa khỏi hoàn toàn không?
THCS là một quá trình lão hóa tự nhiên theo thời gian, tuổi tác, do đó rất khó tránh khỏi. Hiện, không có phương pháp nào chữa khỏi hoàn toàn.
Xin cảm ơn BS.
PHỤNG DIỄM (Thực hiện)
Bình luận (0)