Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trẻ có cơ hội phát triển toàn diện

Tạp Chí Giáo Dục

Học khiêu vũ cũng là một cách để trẻ 5 tuổi phát triển

Trong 2 ngày (8 và 9-12), tại TP.HCM, Vụ Giáo dục Mầm non (GDMN) – Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo góp ý về “Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi”. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, với bộ chuẩn này, trẻ em sẽ không bị người lớn đòi hỏi quá cao hoặc yêu cầu quá thấp…
Trẻ biết tự bảo vệ bản thân
Đại diện nhóm nghiên cứu bộ chuẩn, bà Nguyễn Thị Thư khẳng định: “Chuẩn phát triển trẻ là những tuyên bố thể hiện sự mong đợi về những gì trẻ nên biết và có thể làm được dưới tác động của giáo dục. Chuẩn không phải là một danh mục liệt kê thật đầy đủ về sự phát triển của trẻ”…
Theo đó ở tiểu lĩnh vực vận động, trẻ không chỉ biết mặc và cởi quần áo, tô màu, cắt dán, nhảy cao, nhảy xa, leo trèo mà còn biết nhảy lò cò ít nhất 5 bước liên tục, đi giật lùi được 5m theo hướng thẳng, đi thăng bằng trên ghế thể dục. Có ý kiến cho rằng, việc đòi hỏi trẻ đi giật lùi 5m, đi thăng bằng trên ghế thể dục là quá sức đối với lứa tuổi các em. Tuy nhiên, bà Lê Thị Liên Hoan – Phó phòng GDMN Sở GD-ĐT TP.HCM lại khẳng định, đó là cái trẻ nên biết và có thể làm được.
Ở tiểu lĩnh vực vệ sinh cá nhân – dinh dưỡng – an toàn, ngoài những việc trẻ đã biết như tự rửa mặt và đánh răng, giữ đầu tóc và quần áo gọn gàng, kể tên một số thức ăn cần có trong bữa ăn hàng ngày, trẻ sẽ được giáo dục để biết che miệng khi ho – hắt hơi – ngáp, không được ăn những thức ăn có hại cho sức khỏe. Cao hơn nữa, các em còn được người lớn giáo dục để nhận biết và không chơi những đồ vật nguy hiểm, không chơi ở những nơi bẩn và nguy hiểm… Đặc biệt, trẻ được giáo dục để không nhận quà, đi theo những người lạ khi chưa được người thân cho phép. “Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao như bị lạm dụng tình dục, bị bắt cóc… Do vậy, việc giáo dục trẻ không đi theo người lạ là giúp các em tự bảo vệ mình, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra với các em”, bà Thư nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, ở tiểu lĩnh vực nhận thức về tự nhiên, xã hội và nghệ thuật, nhóm nghiên cứu đã quá coi trọng vào khả năng của trẻ. Thật là khó khăn khi đòi hỏi một đứa trẻ 5 tuổi phải nói được những đặc điểm nổi bật của các mùa trong năm nơi trẻ sống, dự đoán một số hiện tượng tự nhiên đơn giản sắp xảy ra, kể được một số địa điểm công cộng gần gũi nơi trẻ sống…
Không dùng để xếp loại trẻ
Mặc dù nhóm nghiên cứu “Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi” đã tổ chức gần 20 cuộc hội thảo trong và ngoài nước để lấy ý kiến góp ý cho bộ chuẩn. Song, dư luận xã hội, nhất là các bậc phụ huynh có con đang học mầm non tỏ ra lo ngại nếu bộ chuẩn được áp dụng, con cái họ sẽ bị xếp loại như học sinh phổ thông. Lúc đó những đứa trẻ 5 tuổi nếu không nói được cha mẹ làm nghề gì, làm việc ở đâu, số điện thoại của người thân… thì sẽ có nguy cơ bị xếp loại trung bình, yếu, thậm chí là kém.
Trước những lo lắng này, bà Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định: “Bộ chuẩn không dùng để xếp loại trẻ”.
Nếu không dùng để xếp loại thì xây dựng bộ chuẩn này để làm gì. Bà Nghĩa cho biết: “Chuẩn giúp cho giáo viên, cha mẹ hiểu được khả năng của trẻ để không đòi hỏi về những điều trẻ không thể làm được hoặc đánh giá thấp khả năng của trẻ. Bên cạnh đó, giáo viên, phụ huynh sẽ hỗ trợ để trẻ phát triển tối đa tiềm năng của mình. Cũng như theo dõi sự phát của trẻ để điều chỉnh các tác động kích thích sự phát triển của trẻ. Và trên hết, chuẩn là cơ sở để xây dựng các công cụ đánh giá. Bởi mục đích Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi là nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, hỗ trợ và nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN, nâng cao kiến thức và thực hành chăm sóc giáo dục trẻ của phụ huynh, nâng cao kiến thức cộng đồng về chăm sóc giáo dục trẻ”.
Vả lại, phần lớn các quốc gia trên thế giới coi những năm đầu đời như điểm khởi đầu cần thiết cho một hệ thống công dân có đủ năng lực để cạnh tranh trong một thế giới toàn cầu hóa. Một sự khởi đầu tốt trong cuộc đời sẽ rất quan trọng với sự phát triển cá nhân và đất nước. “Làm thế nào để chúng ta có thể áp dụng những hiểu biết để tạo ra những kết quả mong muốn trẻ phát triển tối đa tiềm năng của mình. Một trong những ứng dụng đó chính là Chuẩn phát triển”, bà Thư cho biết.
Bài & ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)