Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trẻ có tính bạo lực, vì sao?

Tạp Chí Giáo Dục

Không nên cho trẻ chơi những game mang tính bạo lực. Ảnh: T.LÊ
“Cha mẹ sinh con trời sinh tính”, đây là một trong những lý do mà nhiều trẻ từ khi sinh ra đã sống rất tình cảm, nhưng cũng có không ít trẻ có tính bạo lực. Tuy nhiên, theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Quý Quỳnh (Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM) thì môi trường sống cũng là một yếu tố làm cho trẻ trở nên “hung tính”.
Không biết phải làm sao?
Nhiều phụ huynh thường băn khoăn: “Không hiểu vì lý do gì mà thời gian gần đây con mình lại trở nên cáu kỉnh, luôn khó chịu với mọi người xung quanh rồi dùng những hành động đầy tính bạo lực”. Để giải quyết những khúc mắc đó, các bậc phụ huynh nên đến gặp các chuyên gia tâm lý. Chị Nguyễn Thu Trang (34 tuổi, ngụ quận 7) chia sẻ: “Bé Su 3 tuổi tôi mới cho đi lớp mầm, mà mới đi được mấy bữa về thấy bé có nhiều hành động khác lạ. Nhiều hôm đang chơi với bạn hàng xóm, bạn mượn đồ chơi bé không cho mượn còn chạy lại tát vào mặt bạn. Những lúc như vậy tôi không biết làm sao được, bỗng dưng thấy mình bất lực trước việc làm của con”. Tâm sự của chị Trang cũng là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh vì không hiểu sao con mình ngày càng trở nên “khó dạy” khi ở trường về. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chuyên viên tâm lý Quỳnh cho rằng: “Nhiều trẻ thường thể hiện sự hung hăng, bạo lực của mình thông qua những hành động như trêu chọc bạn thậm chí đánh bạn mà không cần biết lý do. Trong những tình huống như vậy, bố mẹ phải khéo léo tìm hiểu nguyên nhân từ trẻ để trẻ tự giãi bày. Nhiều bậc phụ huynh tìm gặp chúng tôi và thắc mắc tại sao càng hỏi bé thì bé lại càng tỏ ra lì lợm. Nhưng khi đưa các bé đến gặp các chuyên viên tâm lý thì mới phát hiện ra khi đến lớp, thấy các bạn đánh nhau thậm chí là ảnh hưởng từ cô giáo nên về mới làm theo”. Việc trẻ ngồi hàng giờ đồng hồ để chơi game hay xem các bộ phim mang tính bạo lực không chỉ khiến cho trẻ “nghiện”, mà còn là môi trường tác động tới việc điều chỉnh hành vi của trẻ. Chị Hà Phương (30 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) tâm tư: “Bé Bin nhà tôi 6 tuổi mà thích xem siêu nhân lắm, đòi ba mẹ phải mua kiếm giống siêu nhân rồi mang ra chơi, có khi dùng kiếm đánh luôn cả bé em 3 tuổi, khi bé khóc thét lên thì ba mẹ mới chết điếng”.
Chuyên viên tâm lý Quỳnh chia sẻ: “Đứa trẻ khi sống ở môi trường đầy dọa nạt và bạo lực thì chắc chắn chúng cũng sẽ thực hiện hành vi bạo lực giống như vậy. Nếu như chúng sống trong môi trường thiếu sự quan tâm và tình yêu thương thì tâm hồn sẽ không được nuôi dưỡng vì vậy không cảm nhận được nỗi đau mà mình đã gây ra cho người khác”. Chính vì vậy ngoài bản tính hung hăng vốn có thì môi trường sống cũng là một yếu tố quyết định đến sự phát triển tính cách và những xúc cảm của trẻ nhỏ.
Giải quyết trên từng tình huống cụ thể
Mới đây, Công an thành phố Vinh phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy gần 2.000 đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, gây nguy hiểm gồm súng, kiếm nhựa các loại. Đây là các loại đồ chơi mang tính kích động bạo lực ở trẻ em, viên đạn bằng nhựa khi bắn có thể gây thương tích.
Mỗi trẻ có một cách biểu hiện sự hung hăng khác nhau bởi môi trường sống khác nhau sẽ quyết định tính cách khác nhau. Chuyên viên tâm lý Nguyễn Quý Quỳnh cho biết: “Để hạn chế tình trạng bạo lực ở trẻ thì các biện pháp chỉ mang tính chung chung nhưng trước hết cha mẹ cần phải quan tâm, chia sẻ với con nhiều hơn. Nhưng để hiểu tận gốc vấn đề và tìm ra giải pháp để điều trị thì nên đưa các bé đến chuyên gia tâm lý. Các chuyên gia tâm lý sẽ tiến hành làm việc trên từng trường hợp cụ thể, không chỉ tiến hành tìm hiểu đối với những đứa trẻ mà cả các bậc phụ huynh. Những người sống chung trong gia đình như cha mẹ, anh, chị em  là những người có ảnh hưởng và mối liên quan trực tiếp đối với các bé. Chuyên gia tâm lý sẽ giải quyết những thắc mắc như: Trẻ hung hăng là vì đâu? Phụ huynh thường nóng tính với con vì lẽ gì? Khi đã giải quyết được những vướng mắc, mâu thuẫn của hai bên thì sẽ giải quyết được vấn đề”.
Nghiêm Quế
 
Dấu hiệu trẻ có tính bạo lực
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, việc nhận biết các dấu hiệu trẻ có nguy cơ mang tính bạo lực là vấn đề không dễ. Vì thế, các bậc phụ huynh nên đoán được khả năng bạo hành của trẻ qua những dấu hiệu sau: Trẻ thường hay gây gổ với bạn bè, phá hủy vật dụng, đồ chơi; Thích nói về hành vi mạo hiểm và hay đe dọa người khác; Tỏ vẻ thích thú với những con vật săn mồi và hay mang theo các loại vũ khí; Hay suy luận tính toán về những hành vi bạo lực. Cách tốt nhất để dạy trẻ không bạo lực là phụ huynh phải kiểm soát được hành vi của mình bởi lẽ con trẻ rất dễ học những hành vi của người lớn từ đó áp dụng vào cuộc sống. Khi trẻ mắc lỗi phụ huynh hãy kết hợp với cô giáo phạt con theo cách phân tích vừa giáo dục vừa khuyên bảo.
M.H
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)