Nhiều người cứ nghĩ rằng, đã là trẻ con thì phải biết nghe lời
dạy bảo của người lớn và chỉ có người lớn mới có nhu cầu cần được tôn trọng, chứ con nít biết gì. Nhưng thực tế, người lớn hay trẻ con cũng đều đòi hỏi sự tôn trọng, ngay cả những việc nhỏ nhất. Nếu người lớn cố tình coi thường bỏ qua, dần dần trẻ sẽ mất niềm tin, hay nghi ngờ và sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tính cách trẻ.
Đừng xem thường việc nhỏ
Bảo K., học sinh lớp mẫu giáo Trường Mầm non V.T.B (quận Bình Thạnh) vốn khỏe mạnh và rất hiếu động nên dễ mắc lỗi. Mỗi khi phạm lỗi, K. hay bị ba phạt quỳ và bị đánh bằng roi. K. biết mình phạm lỗi và chấp nhận chịu phạt nhưng lại đòi hỏi những lần như vậy ba mẹ phải đóng cửa không để người ngoài nhìn thấy. Lần nọ, K. giỡn với con mèo, bị mẹ nhắc nhở nhiều lần nhưng K. không nghe. K. vẫn tiếp tục đuổi con mèo khiến nó chạy lên bàn làm rơi bình bông pha lê quý xuống đất vỡ tan tành. Mẹ K. vừa bực mình vì con không vâng lời vừa tiếc chiếc bình đã lôi K. ra giữa nhà, bắt quỳ và cầm chổi quất vào mông con tới tấp. K. vừa khóc vừa mắc cỡ khi vừa lúc đó bạn Bin nhà hàng xóm đi ngang qua nhìn thấy. Sau đó, K. hờn dỗi, chạy lên lầu nằm và bỏ luôn cơm tối dù mẹ gọi nhiều lần. Cho đến khi ba K. đi làm về biết chuyện lên dỗ dành K. mới mếu máo nói: “Mẹ đánh con mà không đóng cửa để bạn Bin nhìn thấy rồi…”. Suốt những ngày sau đó, khi đi ngủ, K. chỉ nằm ngoài mép giường với ba chứ không chen vào giữa để được nằm gần cả ba và mẹ như thường lệ.
Cũng được mẹ hứa sẽ giữ bí mật về bệnh tè dầm mỗi đêm, nên Ngọc P. (học sinh lớp 4 Trường Tiểu học T.V) luôn yên tâm sẽ không bạn bè nào biết về “tật xấu” của mình. Vậy mà bữa nọ trong giờ ra chơi, bỗng dưng nhóm bạn trong lớp hùa nhau la to như vừa phát hiện ra một chuyện “động trời”: “Ê, P. học giỏi mà ngày nào cũng tè dầm ra quần tụi bay ơi..”. P. vừa bất ngờ vừa xấu hổ nên xụ mặt xuống cho đến khi về nhà khóc lóc và nhất định không chịu đi học nữa, P. còn nằm vùi trong phòng không thèm ăn uống. Lúc này mẹ P. mới biết là lỗi của mình vì trong một lần đi chợ, chị đã lỡ “tâm sự” về bệnh của con mình với mẹ của một đứa bạn trong nhóm của con gái. Không chỉ đòi hỏi người lớn tôn trọng hay giữ “bí mật” sự riêng tư, nhiều trẻ còn muốn chứng tỏ khả năng của mình hoặc yêu cầu được tự làm điều gì đó như tự xúc cơm ăn, tự mặc quần áo…
Cần tôn trọng trẻ
Theo thạc sĩ tâm lý Trần Anh Thụ, khi trẻ hơn 2 tuổi trở lên đã bắt đầu tự có ý thức, khi đó chúng đòi người lớn phải tôn trọng chúng. Cái bướng bỉnh của tuổi lên 3 là một ví dụ về điều đó. Chẳng hạn như trẻ nằng nặc đòi tự mặc quần áo mặc dù chúng cứ cho hai chân vào một ống, hoặc xúc cơm làm vương vãi ra ngoài nhưng vẫn đòi được tự xúc một mình. Đó là dấu hiệu trẻ muốn khẳng định mình và bắt đầu ý thức được nó là ai. Nhưng nhiều khi phụ huynh hiểu lầm là do con bướng bỉnh, không biết vâng lời nên đôi khi trừng phạt khắt khe bằng đòn roi. Điều đó vô tình dần khiến con trẻ ngày càng chai lì roi đòn hoặc có những hành động chống trả quyết liệt để tự bảo vệ mình hoặc ở dạng tiềm ẩn, chờ cơ hội thích hợp sẽ “bùng nổ”.
Nếu gặp phải những đứa con như vậy, phụ huynh không nên lo lắng quá khi thấy trẻ bướng bỉnh, vì đó có thể là dấu hiệu báo trước một trí tuệ thông minh, trẻ nào càng thông minh thì càng bướng sớm, càng kéo dài.
Ở mỗi trẻ sẽ có những đòi hỏi được tôn trọng theo nhiều cách khác nhau nên phụ huynh cũng cần phải biết và nên tôn trọng ý kiến của con nếu thấy điều đó không có gì sai phạm, ngay cả những việc nho nhỏ diễn ra trong cuộc sống thường ngày.
Bích Vân tc "Bích Vaân "
Bình luận (0)